Jan 5, 2020.
QUANG THỤC HẢO - Hiện nay (2024), Hảo đang là nghiên cứu viên tại đại học Sydney, Australia. Khi tôi viết bài này, Hảo đang là:
NCS Tiến sỹ ngành tâm lý học, Đại học New South Wales, Australia.
Học bổng UNSW Scientia Scholarship — Một trong những học bổng danh giá nhất cho bậc tiến sỹ tại Úc.
Thạc sỹ ngành Khoa học Não bộ và Tâm trí (Brain and Mind Sciences), Đại học Sydney, Australia
Thủ khoa đầu ra ngành Tâm lý — Giáo dục Đại học Sư Phạm TP HCM năm 2014
Giải nhì NCKH “Tài Năng Khoa học Trẻ dành cho sinh viên” Cấp Bộ năm 2012
================================
Trong bài viết có những bài học hay:
- Sinh viên làm sao để cân bằng giữa học tập, nghiên cứu khoa học, và hoạt động cộng đồng?
- Hành vi mất động lực của bệnh nhân sau chấn thương sọ não.
================================
LỜI MỞ
Tôi biết về Hảo qua những bài viết rất dài về tâm lý học được chia sẻ trên trang mạng xã hội của em. Tôi luôn có ấn tượng với ai đó có thể viết ra suy nghĩ của mình. Trong những bài viết dài đó, Hảo cho tôi thấy được tâm tư của em với nghiên cứu và những trăn trở của em về ngành tâm lý học Việt Nam. Trò chuyện với em một vài lần, tôi lại thấy quý mến em hơn, bởi đằng sau những bài viết dài đầy suy tư đó, Hảo không chỉ là một cô gái hướng nội hoàn toàn, em cũng sôi nổi, vui vẻ và luôn hết mình với mọi người.
Hảo có thành tích học tập đáng nể trong trường đại học. Em tốt nghiệp thủ khoa đầu ra đại học khoa Tâm lý — Giáo dục, đại học Sư Phạm TP HCM. Trong quá trình học của mình, Hảo luôn giữ vị trí đầu khoa và luôn được nhận học bổng xuất sắc xuyên suốt bốn năm học. Hảo bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên khá sớm và từng được giải nhất Eureka NCKH cho sinh viên do Thành đoàn tổ chức, và giải nhì NCKH cấp bộ. Em cũng từng là 1 trong 35 đại biểu được tuyên dương tại diễn đàn Sáng tạo trẻ toàn quốc.
Em cũng là một cô gái hoạt động đoàn xuất sắc. Em từng nhiều năm là Huấn luyện viên cho CLB Sao Bắc Đẩu TP HCM và từng được Trung Ương Hội LHTN VN khen tặng. Trong trường ĐH Sư Phạm, em cũng là chủ nhiệm CLB Tâm lý Ngôi nhà trái tim, nơi tổ chức các hoạt động kỹ năng dành cho sinh viên.
Hiện tại, Hảo đang là NCS Tiến Sỹ của trường đại học New South Wales, Australia, trong top 25 trường có ngành Tâm lý học tốt nhất thế giới. Hảo nhận học bổng Scientia, cho phép em được nhận khoảng 182 nghìn đô tiền học phí, 168 nghìn đô tiền sinh hoạt phí và 40 nghìn đô chi phí phát triển bản thân cho cả chương trình tiến sỹ 4 năm. Bạn bè hay gọi tôi là “phù thuỷ săn học bổng”, bởi từ lúc tốt nghiệp cấp 3 đến bây giờ, tôi chưa bao giờ phải trả bất kì chi phí nào cho việc học, sinh sống, và nghiên cứu của mình. Nhưng số tiền học bổng rất cao mà Hảo được nhận làm tôi bất ngờ. Trong bài viết này, tôi muốn đưa mọi người đi cùng Hảo, từ một cô bé cấp 2, sau rất nhiều thất bại, rất nhiều nước mắt, để có thể đi đến Hảo của hiện tại.
TỪNG BỊ TRẦM CẢM
Hảo sinh ra trong một gia đình 3 anh chị em. Gia đình em trước đây ở Quận 10, TP HCM, sau này chuyển qua Quận Bình Tân. Bố mẹ em đều chưa học hết cấp 2 và phải vật lộn mưu sinh để kiếm sống. Tuy nhiên, ba mẹ luôn quan niệm là con cái phải được đầu tư học hành đến nơi đến chốn. Hảo từ nhỏ đã tự hào rằng dù gia đình mình không giàu có về tiền bạc hay danh vọng nhưng luôn có dư dả về mặt đạo đức và thái độ sống — những nền tảng, hành trang cuộc sống mà em sẽ luôn mang bên mình sau này.
Hảo lớn lên đã có tính độc lập và quyết định chín chắn từ nhỏ. Em cũng rất cởi mở với mọi người xung quanh. Hảo cũng có sức học tốt và luôn nhận được lời khen ngợi từ bạn bè, thầy cô.
Năm hết cấp 2 lên cấp 3, em nỗ lực để thi vào trường THPT tốt. Em bị rớt nguyện vọng 1 dịp đó, mặc dù được thầy cô rất kỳ vọng. Nhóm bạn thân của em đều đậu hết. Cô bé Hảo nhí nhảnh bị sốc và buồn. Em thấy xấu hổ và thất vọng với bản thân. Em nhốt mình trong nhà, không nói chuyện với ai, và ít ăn uống. Thời gian kéo dài cho đến một hôm em quyết định bước ra bên ngoài và mua sách để đọc. Em đọc nhiều và hiểu được là mình có thể đang bị trầm cảm, và em biết em phải tự cứu vớt mình. Những cuốn sách cho em niềm tin, và cho em thấy giá trị của bản thân và cuộc sống không phải đến từ kết quả của một cuộc thi nào đó, mà là bằng giá trị ước mơ mà mình kiên trì theo đuổi. Điều này thay đổi em, bởi sau vấp ngã, em quyết định tự đứng dậy và tự bước đi. Em dần thay đổi hẳn từ dạo đó, khi vào trường cấp 3, em đã bắt đầu tham gia hoạt động đoàn hội trong và ngoài trường. Em làm tình nguyện rất nhiều và gặp gỡ nhiều người lớn hơn em, học hỏi từ họ và tìm niềm vui cho cuộc sống.
Nhưng cũng từ đó, cô bé Hảo nhận ra, ở Việt Nam hồi đó, quan niệm về ai đó bị những vấn đề tâm lý còn rất mới mẻ, và việc có một bác sỹ tâm lý để giúp mọi người là điều dường như không ai biết tới. Em biết rằng, em sẽ theo đuổi ngành tâm lý học, để chữa lành những vết thương tinh thần và tạo động lực cho con người sống hết mình với tiềm năng và hoài bão của mình.
Cô bé Hảo cũng vì thế mà từ những năm đầu cấp 3 đã biết rằng, mình sẽ chỉ thi vào một trường đại học duy nhất, một ngành duy nhất, Ngành Tâm Lý — Giáo Dục, ĐH Sư Phạm TP HCM.
CÙNG LÚC HOẠT ĐỘNG ĐOÀN HỘI VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN, TẠI SAO KHÔNG?
Hảo trong trường đại học là một cô bé sôi nổi. Em tham gia làm chủ nhiệm các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động của đoàn trường, thành phố. Nhưng em cũng luôn giữ điểm số mình rất cao để cả bốn năm học em được nhận học bổng khen thưởng cho sinh viên xuất sắc của trường, và học bổng do tổ chức Lawrence S.Ting tài trợ. Hảo kể, em cố gắng để bố mẹ không phải lo lắng tài chính cho mình, và cũng để không phải đi làm thêm để em có thời gian học hỏi những điều mới ở trường.
Em tham gia NCKH sinh viên với các thầy cô từ năm nhất. Ban đầu chỉ là để trải nghiệm, sau này thì mê luôn. Em bắt đầu đạt các giải, từ cấp khoa, rồi đến trường, rồi thành phố và đạt luôn giải nhì cấp bộ.
Tôi hỏi em, làm sao để cân bằng được giữa nhiều hoạt động như vậy. Hảo kể, có nhiều bạn xem đi học là nhiệm vụ, là gì đó sẽ làm các bạn ấy mệt mỏi. Còn em, em xem việc học là đam mê, việc tham gia các hoạt động tình nguyện là niềm vui, nên em cứ tận hưởng chúng. “Tính ra em đã tận hưởng và rong chơi cả 4 năm kia ấy chứ. (Cười).”
“Ngoài ra, mình cũng phải có chiến lược nữa anh ạ. Em thấy ở một thời điểm bất kì, ai cũng phải có sự ưu tiên cả. Như anh bây giờ, anh ưu tiên sự nghiệp, rồi sau đến gia đình. Em hồi đó cũng vậy, mỗi thứ nhỏ nhất em đều sẽ cân nhắc và đặt lên bàn cân để nghĩ xem hoạt động có có thực sự cần thiết với mình không. Em dám bỏ đi những hoạt động em yêu thích, thì em cũng sẽ dám và làm hết mình với những hoạt động mà em đã chọn.“
LIỀU MÌNH QUA ÚC, KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU CỦA MÌNH
Xong đại học, Hảo có cơ hội sang Úc để tiếp tục xây dựng nghề nghiệp cho mình. Nhưng gia đình em không có tiền, em phải vừa đi làm để tích góp và vừa tự học, đọc thêm sách để cập nhập kiến thức. Công việc vất vả không quật ngã em, nhưng định kiến của mọi người về một số ngành nghề đã làm em lao đao. Em bảo, có một anh tư vấn du học đã nói thẳng với em rằng “Nếu em cứ lì lợm theo ngành tâm lý học, em sẽ không bảo giờ đi học được”. Lý do là vì ngành tâm lý là ngành đặc thù và thường trước giờ chỉ dành do dân bản xứ. Ngành học khó về cả chuyên môn, ngôn ngữ và phải hiểu biết cả văn hoá, tâm lý của người dân nơi đây khiến cho tất cả mọi người đều khuyên Hảo đổi ngành.
Và đúng như vậy, hiệp hội Tâm lý học Úc yêu cầu phải đánh giá lại bằng đại học của sinh viên quốc tế để phù hợp với tiêu chuẩn của Úc, từ đó sinh viên mới có thể tiếp tục học được. Sau một thời gian dài chuẩn bị hồ sơ, dịch thuật, và giải trình, cuối cùng, hiệp hội quyết định cho cô bé người Việt này cơ hội và bằng đại học ngành tâm lý của em được công nhận tương đương với bằng của Úc.
Khi điều kiện đã chín muồi, Hảo đăng ký chương trình Thạc sĩ về Khoa học não bộ và tâm trí của Đại học Sydney và tham gia nghiên cứu cho một nhóm nghiên cứu rất lớn. Thông qua cơ hội này, em học được rất nhiều về môi trường nghiên cứu ở Úc cũng như về công nghệ đo lường não bộ trong Tâm lý học thần kinh. Nhìn lại những định kiến ban đầu về quyết định tiếp tục theo đuổi ngành Tâm lý học, Hảo cảm thấy biết ơn. Hảo nói rằng, “bởi vì người khác bảo em sẽ không làm được, nên em càng có động lực hơn để làm cho bằng được. Em còn biết ơn vì nhờ những định kiến đó mà em dặn mình phải cẩn trọng, đừng bao giờ phán xét ước mơ của bất kỳ ai! Không gì là không thể trong cuộc sống này”.
THỰC HÀNH TÂM LÝ LÂM SÀNG CHO BỆNH NHÂN SAU CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO
Tốt nghiệp thạc sỹ từ đại học Sydney, Hảo bây giờ đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở đại học New South Wales, nơi em nghiên cứu về đề tài hành vi mất động lực (motivation) của bệnh nhân đã trải qua chấn thương sọ não. Em quyết định thực hiện mẫu thí nghiệm của mình tại Việt Nam. Bởi em biết những nghiên cứu và thực hành lâm sàng tâm lý cho bệnh nhân chấn thương sọ não tại Việt Nam còn rất hạn chế, mặc dù Việt Nam là một trong những đất nước có tỷ lệ tai nạn liên quan đến chấn thương sọ não nặng lớn nhất thế giới.
Hảo chia sẻ “Nghiên cứu của em tìm hiểu hành vi mất động lực sau chấn thương sọ não, với mong muốn giúp bệnh nhân tích cực hơn tham gia vào quá trình phục hồi và tái hoà nhập xã hội. Để làm được điều này, em phối hợp sử dụng các trắc nghiệm tâm lý, bảng hỏi và thực nghiệm hành vi đã được chuẩn hoá để đo lường liệu bệnh nhân có hành vi mất động lực như thế nào và điều gì đã gây ra sự mất động lực. Em hy vọng kết quả nghiên cứu của đề tài có thể góp phần giúp đẩy mạnh chất lượng chăm sóc tâm lý và chiến lược can thiệp cho quá trình phục hồi của bệnh nhân, nâng cao hiểu biết về những hành vi có thể bị ảnh hưởng sau chấn thương sọ não cho người chăm sóc, cũng như mở ra các hướng nghiên cứu thiết thực và có giá trị cho ngành tâm lý học Việt Nam.”
Hảo cũng mong rằng sau này em có thể kết hợp với các kỹ thuật tiên tiến về đo lường não bộ như sử dụng máy đo fMRI để giải mã hiện tượng mất động lực ở con người.
Xuyên suốt cuộc nói chuyện, em luôn kể về TLH Việt Nam, về ước mơ được phát triển ngành này bằng sự hợp tác quốc tế và xây dựng nội lực cho các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam. Hảo không màng việc hy sinh khoảng chi phí sinh hoạt của mình cho nghiên cứu hay những vất vả nhiều hơn khi em phải làm nghiên cứu ở Việt Nam thay vì điều kiện thuận lợi có sẵn ở Úc. Sau tất cả, em tin rằng nghiên cứu và thực hành lâm sàng phát triển song song với nhau. Khi nghiên cứu phát triển mạnh, thực hành cũng trở nên hiệu quả hơn và cuối cùng, chất lượng dịch vụ và hạnh phúc sẽ nằm ở người dân Việt Nam.
================================
Câu chuyện dài về Hảo, từ một cô bé đã tự vượt qua những ngày tháng trầm cảm, đến những quyết định tự mình đi làm kiếm tiền đi du học, hay là câu chuyện của em với đam mê về TLH Việt Nam, từng tý một luôn khiến tôi cảm thấy sự mạnh mẽ, ý chí kiên cường, và sự nỗ lực không ngừng của em. Tôi mong em sẽ thành công.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện chúng tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp tôi. Xin cảm ơn.