September 1, 2023.
Chuyện là hôm vừa rồi mình đi gặp mặt cựu sinh viên của trường đại học Sydney. Cũng không hiểu sao lại có thư mời, rồi trong thư nói là có đồ ăn ngon và có nhạc hay, thế nên mình nghĩ đi làm về ghé qua để đỡ phải về vào bếp nấu ăn thôi.
Khác với cuộc gặp gỡ cựu sinh viên như mình nghĩ, thì tới đây mình như bị lạc vào một cái hội kín. Tới nơi, cả căn phòng chỉ có vài chục người, và thấy toàn các cô các chú, hỏi thì ai cũng tốt nghiệp đâu đâu vài chục năm trước cả rồi. Rồi ai cũng ăn mặc nghiêm túc, may sao mà hôm đó mình mặc quần dài vì vừa đi làm về, chứ không là lại mặc quần sooc đến rồi đó. So với các bậc “lão thành” hôm đó, mình là thằng nhóc con trẻ nhất.
Thứ hai là hoàn toàn không có Châu Á (có Ấn Độ nhưng mình lại không tính Ấn là “Châu Á”). Không hiểu vì sao không ai tới, có thể là vì người Châu Á họ không chuộng giao lưu với cái cộng đồng này, nên hôm đó mình là người Châu Á duy nhất.
Tiếp theo là tỷ lệ các bác học kỹ thuật ít hơn hẳn, có lẽ mấy bác học ngành này cũng không thích các hoạt động gặp gỡ như vậy lắm, mình thấy chủ yếu là bên các ngành xã hội, y, dược, etc.
Vì là da trắng, lại ở Canberra là thủ đô, nên ai cũng làm chức to trong chính phủ, cứ đi một vòng chào hỏi, thì thấy tên ai cũng có chữ AM, AO, AC ở phía sau (tức là họ được nhận các loại huân chương cao quý của nhà nước Úc). Chưa bao giờ mình thấy một nơi nào tụ họp nhiều người có huân chương đến vậy. Tên của họ còn là tên của các quỹ, thấy cứ lúc đọc tên giới thiệu thì là “tên + Foundation” hoặc “tên + family funding”, ví dụ Nguyễn Văn A Foundation, nghe nó thật ngầu.
Cái tiếp nữa là hầu như họ đều biết nhau hoặc từng làm việc với nhau, có thể là vì đều quanh quẩn là công chức, hoặc là bác sĩ, nhà giáo, v.v.
Tiếp nữa là mình thấy ai cũng toát ra vẻ giàu có, nhưng lại không phải trọc phú, mà đều rất tri thức. Cách họ nói về Việt Nam, về lịch sử chính trị văn hóa VN cho thấy họ rất hiểu biết. Hoặc khi họ bàn luận về các vấn đề như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, cũng cho thấy là họ dù già rồi nhưng vẫn rất tân thời. Họ cũng giàu, vì tới đoạn họ ủng hộ các quỹ học bổng cho nhà trường, thấy toàn hứa bỏ tiền triệu đô ra ủng hộ mà cứ nhẹ tâng. Tuy nhiên có thể là mình cũng đang có thiên kiến vì có lẽ thường ai đó thành công thì họ mới tới các buổi tiệc như vậy (trừ mình là đi ăn chực bữa ăn tối thì không nói rồi haha). Ah mình học được từ tiếng anh mới, là từ bequest (động từ là bequeath) khi ủng hộ tiền, chứ họ không dùng từ donate. Ví dụ như Ông A is leaving a generous bequest to the University of Sydney to advance quantum research.
Mình thấy họ nói chuyện khá khiêm tốn, thực tế, và nhân văn, và đều bàn tới các vấn đề mà họ có thể là chuyên gia hoặc có thể với tay tới. Nó như một nhóm các cô các thầy giáo già rồi giờ ngồi chiêm nghiệm lại cuộc đời ấy. Nó rất khác với một buổi gặp gỡ của các doanh nhân hay CEO.
Cuối cùng, đó là mình gặp được bạn Sasha (trong ảnh 1), nói chuyện được lâu vì có vẻ bạn ấy là người tầm độ tuổi của mình. Sasha là người gốc Ukraine, và giờ đang làm Senior Policy Manager (Quản lý chính sách cao cấp) của DFAT (Bộ Ngoại Giao Úc) cho vùng Bắc Mỹ. Tụi mình nói chuyện khá lâu về văn hóa lịch sử con người Nga-Ukraine, và chém gió về các đường lối ngoại giao. Sasha cũng chia sẻ về cuộc thảm sát ngày xưa của người Nga và lý do tại sao ông bà bạn ấy sẽ sẵn sàng cầm súng để ra trận, trong khi bạn ấy thì lại nghĩ khác.
Có một điều đặc biệt là có một bà cô đứng cạnh hóng chuyện, nghe xong một lúc rồi bà khóc, bảo là nghe tụi mày nói chuyện cảm động quá. Lúc đó mình chỉ nghĩ người da trắng họ nhanh nước mắt thật, giống như trên mấy chương trình truyền hình TV thực tế vậy.
Trong hình 2 là GS Emma Johnston AO. GS Johnston là Hiệu phó trường ĐH Sydney (trước kia cô là Hiệu phó trường ĐH UNSW). Mình nói chuyện chúc mừng cô vừa được bầu vào thành viên hội đồng của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Úc (CSIRO’s Board members), nơi mình cũng đang cố gắng cống hiến mỗi ngày.
Nói chung nhờ cái thói quen đi kiếm bữa ăn miễn phí từ thời đi học (hồi đó suốt ngày chực trong khoa/trường có hội thảo, workshop nào là chạy tới đó ăn để đỡ được bữa trưa), nên hôm nay được tới một sự kiện thú vị, dù là một bữa đi quan sát cưỡi ngựa xem hoa, nhưng thấy được là cựu sinh của ĐH Sydney ở đó đều thành công, và thấy được là trong cuộc sống muôn màu nhiều giai cấp, thì cái đứa luôn thấy hài lòng dù đang ở đáy xã hội như mình bỗng một ngày thấy cái xã hội thượng lưu tri thức sao mà nó thật lôi cuốn.