May 1, 2023.
Trong cuộc sống tất nhiên không lúc nào mọi việc cũng xảy ra theo chiều hướng mà bạn mong muốn, trong việc học PhD cũng vậy. Hầu hết mọi người trẻ đều quen với việc bị từ chối trong chuyện tình cảm. Việc một chàng trai lấy hết sự can đảm để tỏ tình và rồi bị cô gái phũ phàng trả lời rằng “xin lỗi, anh rất tốt, nhưng em chỉ xem anh là bạn” cũng rất phổ biến. Tất nhiên tiếp theo sau đó sẽ là cảm giác buồn, hụt hẫng, chán nản, có khi lại còn tức giận, đôi lúc còn dại dột tìm cách để cưỡng ép thuyết phục đối phương phải chấp nhận mình, để rồi lại nhận được kết quả còn tệ hơn trước. Trong quá trình học tiến sĩ, sẽ có rất nhiều lúc bạn bị các “cô gái” như vậy từ chối, có thể là từ lúc bạn xin theo học, lúc nộp xin học bổng, lúc nộp các chương trình thực tập, hay là nộp hội thảo, hoặc trường hợp mà phổ biến nhất, đó là khi bài báo của bản thân bị từ chối. Bài viết này sẽ kể về một trải nghiệm của mình như vậy và cách mình vượt qua nó thành công như thế nào.
Mình còn nhớ lúc đó là vào tầm 2h sáng tối thứ 6, và mình đang rất vui vì vừa chấm xong gần 200 bài kiểm tra cho sinh viên, có nghĩa là mình sẽ có ngày thứ 7 và chủ nhật được nghỉ ngơi trọn vẹn. Đang chuẩn bị mở điện thoại để bật một chiếc audiobook (sách nói) nghe cho dễ ngủ thì thấy có thông báo có email mới, mình mở vào và cái dòng chữ to đùng “ABCXYZ — Decision Letter: MS…”, cảm giác bắt đầu hồi hộp. Mình mở ra thì dòng chữ “Given the critical contents of referees’ reports, I regret to inform that I must decline your paper for publication” như đập vào mắt mình.
Cũng như các dạng bị từ chối khác, lúc đó mình cảm thấy rất hụt hẫng, vì cái bài báo này mình đã làm hết gần 2 năm trời, từ bắt đầu những ý tưởng đầu tiên, những dòng code đầu tiên để viết mô hình, cho tới chạy mô phỏng, xử lý số liệu, và đã cùng với các giáo sư thảo luận lên xuống, sửa đi sửa lại tới hơn hai ba chục lần. Cho tới việc trình bày kết quả của nó ở hội thảo rất lớn và còn đã được chọn là bài trình bày xuất sắc nhất (best presentation award) nữa. Tất cả mọi điều trên khiến mình rất tự tin là bài báo sẽ được nhanh chóng đăng thôi, nên việc nhận được thư từ chối khiến mình rất thất vọng.
Và vì thế nên đêm đó mình mất ngủ luôn, rồi ngồi đọc xem các phản biện đã nhận xét bài báo của mình như thế nào. Mình nhận ra là họ chê khá nặng bài của mình ở ba phần: 1) Mình chỉ trình bày một mô phỏng mà không so sánh với những trường hợp khác. Điều này khiến họ cho rằng bài báo của mình không có giá trị về khoa học và kỹ thuật (như một phản biện có viết “the paper does not have enough scientific and technical viewpoints”). 2) Bài báo của mình không có phần thảo luận và so sánh với các trường hợp xảy ra ngoài tự nhiên, ví dụ như số Reynolds của mình quá nhỏ, điều kiện đáy phẳng là không phù hợp với đáy sông, v. v., 3) mình có rất nhiều dữ liệu từ mô phỏng, vậy tại sao mình không tạo ra thật nhiều kết quả khác vào thảo luận về nó (“It would be better if the energy spectrum be presented as a result of DNS simulation”).
Rồi cũng giống như các dạng bị từ chối khác, mình không chấp nhận kết quả đó (denial syndrome). Mình tự nghĩ rằng những nhận xét của họ là không chính đáng. Mình trình bày trường hợp thú vị nhất, trong đó mình đã thay đổi một số biến và miêu tả sự tác động của việc thay đổi đó, vậy tại sao mình lại phải so sánh nữa? Mình đang làm mô phỏng, lại là DNS nữa, tức là cái trường hợp của mình nó là trường hợp rất lý tưởng, thì tất nhiên là không thể giống với dòng chảy ngoài tự nhiên rồi. Hay là việc tại sao cứ mình có dữ liệu là mình phải trình bày cái energy spectrum kia, nó không có ý nghĩa cho bài báo của mình mà. Vì những suy nghĩ trên, tối hôm đó mình nghĩ, có lẽ những phản biện này chả hiểu gì nhiều về bài của mình rồi, và mình nên bê nguyên bài báo của mình rồi đi nộp chỗ khác.
Tuy nhiên đến gần sáng thì bản thân mình bình tĩnh hơn, khi đó mình gửi thư cho thầy giáo hướng dẫn, báo cho ông ấy kết quả và đặt lịch hẹn để gặp ông ấy thảo luận. Ngay sáng sớm hôm đó, giáo đã gửi thư lại. Ông bảo là ông rất tiếc về bài báo, và ông ấy có thể gặp mình vào sáng ngày mai. Ông còn bảo là tao biết mày chắc cả đêm qua không ngủ được, nên hãy dành một ngày hôm nay ngủ đi, rồi ngày mai hãy nói chuyện (nhớ lại mới thấy ông giáo đúng là rất có tâm, vì đúng là ngày hôm đó mình rất mệt và ngủ vật vờ cả ngày).
Sáng hôm sau khi gặp giáo, ông bảo là ông đã đọc hết nhận xét của các phản biện, và đã đọc thư mình viết rồi. Mình cũng ngạc nhiên là ông cũng nói là nếu mình muốn để nguyên bài báo như thế và nộp vào tạp chí khác thì ông cũng sẽ ủng hộ, vì cả ông và những đồng tác giả khác đều đồng ý là bài báo của mình đã đủ tốt rồi. Tuy nhiên, có một điều khác so với 2 đêm trước, đó là lúc này mình đã bình tĩnh hơn rất nhiều, vì thế mình nói giáo là mình muốn sửa lại bài và nộp lại ngày vào đúng tờ báo này (chắc cũng tại lúc đó có xíu hiếu thắng nữa). Giáo bảo là okay, vậy thì cùng thảo luận từng điểm một trong nhận xét của reviewers, và đưa ra hướng sửa. Tiếp theo đó, mình đã dành ra 3 tháng để chạy thêm thí nghiệm của một trường hợp khác để so sánh, sau đó mình viết lại hoàn toàn phần introduction (giới thiệu) để làm rõ là mình đang trình bày một cái mô phỏng với nhiều điều kiện lý tưởng, tuy nhiên nó rất quan trọng để ứng dụng vào điều kiện tự nhiên sau này, mình cũng viết lại phần methodology (phương pháp) mà ở đó mình trình bày chi tiết hơn cách mình chọn các phương trình, cách mình giải nó, cách mình tạo và chọn kích thước lưới (convergence analysis), phần results (kết quả) thì mình làm rất rõ cái mới trong bài báo của mình, và mình so sánh nó với trường hợp khác ra sao. Nói chung là mình viết lại gần hết bài báo. Sau khi viết xong, mình gửi giáo, và hai thầy trò sửa đi sửa lại tầm chục lần nữa để câu từ được chuẩn hơn, rồi mình cũng hỏi ý kiến toàn bộ các đồng tác giả khác để họ góp ý. Sau hơn 3 tháng, thì bài báo được sửa xong.
Lúc mình ngồi đọc lại bài, thì bấy giờ mình thấy nó tốt hơn rất nhiều, rõ ràng hơn, logic hơn, và thay vì thái độ tức giận như cái đêm ngày xưa, giờ mình thấy biết ơn những nhà phản biện kia đã “nặng lời” như vậy với mình.
Khi mình nộp lại, mình viết trong thư cho tổng biên tập là mình đã từng bị từ chối bài báo với tiêu đề ABC (mã số XYZ) như thế, và mình tóm tắt những gì mình đã sửa và cách mình trả lời lại các phản biện ra sao, cũng như mình thấy bài báo mới nó tốt hơn như thế nào. Mình thấy điều này rất quan trọng, vì biên tập viên có thể từ đó mà tìm cho mình các phản biện trước, hoặc các phản biện phù hợp. Mình cũng nói rằng là mình thấy bài báo của mình rất phù hợp với tờ báo và đó là lý do mình muốn nộp lại nó vào đúng tạp chí này.
Tất nhiên mọi việc vẫn chưa suôn sẻ, khi mà sau gần 4 tháng thì mình nhận lại được kết quả từ phản biện. Lần này là tới 4 phản biện (hình 2), đặc biệt phản biện 2 và 3 mỗi người có tới cả hai chục cái nhận xét, phản biện 4 thì chắc là không thực sự cùng ngành hẹp, nên nhận xét nó cứ chung chung và rất khó chịu. Tuy nhiên lần này không phải là từ chối, mà mình chỉ cần sửa lại bài là được thôi. Mình lại kiên nhẫn trả lời từng câu chữ một của từng phản biện, chỗ nào mình thấy không đồng ý, thì mình giải thích và đưa ra bằng chứng cụ thể.
Sau 4 vòng nộp nữa thì bài báo của mình cuối cùng cũng được nhận. Qua mỗi vòng như thế, ngoài việc trả lời các phản biện, mình đều viết thư cho tổng biên để nói về suy nghĩ của mình về bài báo, và cách nó được cải thiện qua từng vòng ra sao, và mình cảm ơn các biên tập và phản biện đã giúp đỡ mình thế nào. Sau đó một thời gian ngắn, không chỉ được nhận đăng, bài báo được chọn trong tuyển tập “editor’s choice collection” — bộ sưu tập của biên tập viên (hình 3).
Bản thân mình thấy trải nghiệm với việc vượt qua sự từ chối cũng có đủ cung bậc cảm xúc như khi bị từ chối tình cảm vậy. Tuy nhiên, thay vì phản ứng “không yêu trả dép bố về”, thì nên xem đó là một cơ hội để mình phát triển hơn, đừng quên giá trị bản thân và giữ vững quan điểm của cá nhân, biết được điểm mạnh của mình như thế nào (đừng trói mình vào trong vòng tròn mà đối phương vẽ ra cho bạn, vòng tròn của chữ “hợp” ở trong câu “xin lỗi, anh rất tốt, nhưng em rất tiếc, chỉ đơn giản là không hợp nhau thôi”, mà cần phải rèn luyện để trưởng thành hơn mà chẳng cần phải cắt gọt bản thân để “hợp” với bất kỳ ai cả. Mình vẫn giữ nguyên ý tưởng ban đầu của bài báo, giữ nguyên kết quả gốc, nhưng mình cải thiện nó, làm nó rõ ràng hơn và có những cái so sánh logic hơn để người đọc có thể từ đó dễ dàng thấy rõ được cái mới ở bài báo hơn. Dù giữ vững lập trường, tuy nhiên cũng luôn tỏ thái độ cầu thị, kể cả đối với người mà từng chỉ trích mình, hay người mình chưa gặp và biết bao giờ (như tổng biên tập) chẳng hạn, đó chắc người đời gọi hay gọi với hai chữ “bản lĩnh”. Và đôi lúc một chút không bỏ cuộc và hiếu thắng khi mình nộp lại và thử thách với các phản biện của chính tạp chí đã từng từ chối mình, thì kết quả lại rất ngọt ngào. Như một giáo sư (đồng tác giả) có viết cho mình rằng “it is such a long and sometimes painful journey, but the outcome is great!” (hình 4).