Dec 19, 2010
TRẦN HOÀNG HẢI YẾN - Khi tôi viết bài này (2019), Yến đang là NCS tiến sỹ, Đại học Lund, Thuỵ Điển.
================================
Bài viết này tôi muốn được nói về Hải Yến, cô gái gốc Hà Tĩnh bé nhỏ nhưng nghị lực và rất vui tính. Yến kể với tôi rằng, anh ơi, sau này em sẽ đi đến nơi nào chưa có hội sinh viên Việt Nam, rồi sau đó em sẽ lập hội và làm luôn chủ tịch. Mọi người sẽ gọi em là chủ tịch Yến. (Cười)
Cô gái luôn miệng nói với tôi rằng, em sắp phải rời Paris, rời Paris Sud rồi anh ơi, như một sự tiếc nuối to lớn về việc tốt nghiệp nhưng mà chưa được học hết điều mình thích. Tuy nhiên, gần đây, tôi nhận được tin vui khi biết em lại được nhận vào học tiến sỹ tại trường đại học Lund, một trường đại học rất danh giá.
Vượt qua 3 vòng phỏng vấn, 2 cuộc thảo luận qua Skype, và hơn 100 ứng cử viên để trở thành người duy nhất được chọn vào phòng thí nghiệm Hoá Lý lớn nhất thế giới tại đại học Lund, một trường đại học cố kính nhất châu Âu và là top 100 thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, Hải Yến đã phải vượt qua một áp lực rất lớn từ bé, và áp lực đó đến từ không nơi nào khác mà từ chính trong gia đình em.
CÁI BÓNG CỦA GIA ĐÌNH QUÁ LỚN.
Ông ngoại Yến từng đỗ đầu tỉnh và là hiệu trưởng, mẹ em là học sinh giỏi văn trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Bố Yến chuyên thiết kế sân vườn, cây cảnh. Hai dòng họ hai bên nội, ngoại có rất nhiều người du học và đạt thành tích rất cao, có người từng học ở trường đại học tổng hợp Lomonosov, Nga, hay từ khoa Luật, đại học Harvard.
Yến chia sẻ “Trong nhà em, ai cũng thuộc lòng truyện Kiều và Tam Quốc Chí, chỉ có mình em không anh ạ”. Sinh ra trong một gia đình mà mọi người đều học rất giỏi và yêu văn chương khiến cho em cảm thấy cái bóng của gia đình quá lớn. Quãng thời gian lớn lên cũng là quãng thời gian em phải loay hoay để vượt qua được cái bóng này. Yến chia sẻ:
“Sinh ra và sống sót qua giai đoạn đầu đời với tớ quả là kỳ tích, thời tiểu học của bản thân khá chật vật khi làm gì cũng hơi chậm so với các bạn. Hội những đứa phải ngồi lại thêm giờ để học cho bằng thuộc bảng cửu chương chắc chắn có tớ rồi, tớ cũng thấy rất khó để đọc 1 bài tập đọc ko vấp. Những năm tháng phổ thông tớ sống trong cái bóng quá lớn của mẹ và anh trai. Tớ thường nghe các thầy cô kể rằng mẹ tớ và anh tớ ngày trước giỏi thế nào, câu nói “anh trai thì thông minh còn cháu thì chỉ chăm chỉ thôi” đã hằn sâu trong tâm trí tớ suốt thời phổ thông và khiến tớ luôn luôn cảm thấy tự ti lắm”
Bước ngoặt đến với Yến có lẽ là vào những năm cuối cấp 3, năm đó Yến đã thử chế tạo thành công thuốc trừ sâu từ cỏ nhất niên, và ẵm luôn giải ba nghiên cứu khoa học của tỉnh. Đây là bước ngoặt giúp cô bé tài năng này thấy rằng có lẽ mình cũng không tệ như mình nghĩ.
CHỌN NGÀNH HỌC ĐẠI HỌC CHỈ DỰA VÀO BỐC THĂM — ẴM LUÔN 4 ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP SINH VIÊN KHI RA TRƯỜNG.
Theo đuổi với hoá học từ năm cấp 3, nhưng cũng như nhiều bạn đồng trang lứa, Yến không biết đam mê thực sự của mình là gì. Em quyết định liều mình bốc thăm cả trường thi lẫn ngành thi. Đây có lẽ cũng là cái duyên dẫn em đến với khoa Sư Phạm Lý, trường ĐH Sài Gòn và cũng là ngôi nhà em sẽ quay về sau này (tôi sẽ nói thêm về điều này ở đoạn sau).
Duyên nối tiếp duyên, em tham gia Hội Sinh viên của trường. Từ đây, Yến dành cả “tuổi thanh xuân” thời đại học của mình để đi thi, em chia sẻ “Với tớ, đi thi chính là những chuyến du lịch không đồng. Nhờ đi theo đoàn thi, mình học được nhiều điều mới, mình được đi qua các vùng đất mới, và được ngắm nhìn vẻ đẹp của tổ quốc”. Yến vì thế mà cứ đi thi hết các cuộc thi cấp trường, Thành phố, rồi toàn quốc, từ thi kiến thức chung, rung chuông vàng, cho đến triết học, hùng biện, và cả luôn olympic sinh viên môn Vật Lý.
Nhưng đâu phải đam mê với hội sinh viên mà cô bé quên mất việc học. Em tham gia vào câu lạc bộ báo chí của trường và trở thành trưởng ban biên tập các cuộc thi kiến thức. Yến kể rằng, tớ cứ đi lang thang khắp các hội thảo trong trường, tìm thầy cô trao đổi và tìm thầy để làm đề tài, rồi cái nào thích là tớ xin làm nghiên cứu cùng. Thế là ra trường, tớ có trong tay luôn 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp sinh viên. (Cười).
THỦ ĐÔ PARIS LIỆU CÓ TRÁNG LỆ?
Ra trường, Hải Yến được giữ lại trường, và một thời gian ngắn sau đó cô được học bổng toàn phần đi học tại trường Paris Sud danh tiếng. Yến kể rằng, em thấy qua phim ảnh, Paris lãng mạn và đẹp quá, cứ yên bình như vùng quê Đà Lạt nơi em từng lớn lên. Thế là em chỉ nộp học bổng duy nhất vào Paris Sud, và được nhận luôn vào để học thạc sỹ nghành Nanoscience.
Nhưng Paris nào đâu có tráng lệ như Yến từng nghĩ, mùa đông ở đó thật lạnh và giữa muôn trùng bạn bè nói tiếng Pháp, Yến giao tiếp với vốn tiếng anh bập bẹ của mình. Rồi áp lực của việc học quá lớn, có những kì thực tập 4 tháng, mà tới tận tháng thứ 3 thì bỗng phải đổi máy móc, dụng cụ. Em áp lực, và thấy thèm tiếng Việt vô cùng, em thấy lúc nào cũng uể oải và buồn ngủ và cô đơn. Paris, thủ đô của ánh sáng, thì trong bàn học của cô bé người Việt bé nhỏ Hải Yến cũng chưa bao giờ tắt đèn.
Nhưng cô bé nghị lực với dày dặn kinh nghiệm trong hội sinh viên đã không bỏ cuộc. Em bắt đầu tìm cách phát huy thế mạnh của mình. Em làm quen với bạn bè cùng lớp, rồi trao đổi với các bạn kiến thức. Khoa học có lẽ là ngôn ngữ chung, khi các bạn ấy không còn lạnh lùng như vẻ bề ngoài ban đầu nữa, Yến kể. Bạn bè đã giúp Yến tóm tắt lại những gì học trên lớp, rồi còn mời Yến ăn đồ ăn Pháp. Yến dần dần lấy lại được phong độ và vượt qua xuất sắc các kì thi để vươn lên đứng thứ 2 toàn lớp.
Thèm tiếng Việt, em không thụ động ngồi ở nhà nữa. Em ra ngoài, chủ động mời anh em sinh viên Việt Nam ở trường ăn lẩu. Bên nồi lẩu xì xụp tiếng Việt ở mùa đông nước Pháp, giúp Yến phần nào ấm lòng và vững tin hơn với cuộc sống tại Paris.
Paris thực sự tráng lệ vào ngày tốt nghiệp khi sau 10 tháng (6 tháng học và 4 tháng thực tập), Yến nhân được bằng thạc sỹ (nhanh hơn 1 năm so với bạn bè cùng lớp.)
NẶNG LÒNG VỚI SƯ PHẠM LÝ — QUYẾT CHỌN NGÀNH HỌC PHÙ HỢP VỚI ĐẤT NƯỚC CHỈ ĐỂ CÓ THỂ QUAY VỀ CỐNG HIẾN.
Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, Yến quyết tâm học tiếp tiến sỹ. Em từng được học bổng toàn phần vào Đại Học Bách Khoa Turino, Ý với thầy hướng dần là top 30 thế giới trong ngành. Tuy nhiên, học bổng này chỉ cho em làm nghiên cứu với ngành kỹ thuật hoá. Sau khi trao đổi với thầy trưởng khoa sư phạm Lý, ĐH Sài Gòn, em quyết định không theo nghiên cứu này vì thầy trưởng khoa khuyên em rằng, nếu sau này muốn quay lại trường, thì phải học ngành liên quan đến Lý.
Yến kể, em chỉ mong sau này em được về Việt Nam, rồi nghiên cứu ứng dụng trên các nguyên liệu sẵn có ở nhà để chế ra các sản phẩm có ích. Ở nhà mình máy móc trong ngành này có sẵn, em cần kiến thức và công nghệ nữa để về thôi. Yến còn nói đùa rằng, em lỡ yêu nước mắm và các món kho đậm đà ở nhà rồi, giờ không thể xa được nữa. (Cười).
Tình yêu với “nước mắm” khiến cô bé bỏ luôn học bổng trên, và liều mình chuyển sang một ngành nào đó có thể vừa làm về vật liệu, vừa làm về Lý. Thế là em chọn khoa Hoá Lý của trường đại học Lund. Ở Thuỵ Điển, học bổng không đến từ giáo sư, mà đến từ trường. Nên khi vào, em phải cạnh tranh với hơn 100 ứng cử viên, và 3 vòng phỏng vấn. Yến chia sẻ “Vòng phỏng vấn đầu áp lực lắm, có cả hơn 100 người, mà ai cũng giỏi, mà họ chỉ chọn ra có vài người cho vòng tiếp theo, tớ cứ nghĩ là tớ đã trượt rồi”. Tuy nhiên, cô gái bé nhỏ kia đã dần dần chinh phục luôn 3 vòng liên tiếp và còn được thảo luận trực tiếp với giáo sư để chọn đề tài mà mình yêu thích. Yến kể “Chả có gì sướng hơn là được làm đề tài mà mình muốn. Nhờ điều này, tớ sẽ bắt đầu một hành trình khám phá kiến thức và những trải nghiệm mới để viết nối thêm những năm tháng thanh xuân rực rỡ dài đến vô tận.”
================================
Khi viết bài này, trong đầu tôi luôn nghĩ về câu nói “Không có ai thực sự sinh ra ở vạch đích”. Quả thực là như vậy. Ai cũng có vạch xuất phát của riêng mình, miễn sao chúng mình không đi lùi lại là được. Tôi nghĩ rằng, Hải Yến là 1 cô gái như vậy. Em sinh ra với gia đình bề thế, nhưng em đã cố gắng bằng chính bản thân mình để vươn lên. Em luôn đi tiến về phía trước. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, Yến sẽ là cánh chim đầu đàn cho nền khoa học nước nhà trong mảng Hoá Lý. Chúc em thành công.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện chúng tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp với tôi. Xin cảm ơn.