Tôi nhướn mắt nhìn đồng hồ, tỉnh giấc vào đúng 4h sáng, Canberra đổ xuống -1 độ C, cái lạnh miên man rít qua khe cửa sổ làm tôi tỉnh ngủ. Canberra đang vào độ cuối thu, đầu đông, trời tắt nắng vội, mỗi chiều đi làm về là lái xe chạy đuổi theo mặt trời lặn, chưa kịp về tới nhà thì trời đã tối. Nắng mùa đông nhu mì, chỉ đủ làm óng lên vài chiếc lá vàng còn sót lại trên nhiều cành lá khẳng khiu. Trời hạ nhiệt độ rất nhanh giữa ngày và đêm, cứ đến 5h là trời tốt mịt, và cũng là lúc cái lạnh thấm qua được từng lớp áo. Với tay nheo nheo mắt nhìn vào điện thoại, lúc nào cũng là một loạt emails, thư từ, và loạt tin nhắn, còn ngái ngủ, tôi chưa vội vào đọc. Nhưng có một mẩu thông báo làm tôi chú ý, một bức ảnh đúng ngày này 10 năm trước, tôi đang lang thang bên bờ sông Neva, một dòng sông xinh đẹp vắt ngang thủ đô phương bắc của nước Nga. Cái lạnh ngoài trời và bức ảnh làm tôi miên man nhớ về một thời sinh viên sôi nổi. Mùa này bên đó chắc đang sắp vào hạ.
Sông Neva gắn bó với một thời tuổi trẻ của tôi, và có lẽ mọi hoạt động của cái cố đô cổ kính này đều xoay quanh dòng sông này. Dòng sông ngắn vắt ngang qua cả thành phố, với nhiều con cầu mở nổi tiếng, lễ hội đêm trắng và đêm cánh buồm đỏ thắm lãng mạn, dòng sông như một nét búi nghiêng viết lên văn hóa, giao thông, buôn thương của cái thành phố này từ nhiều thế kỷ qua. Cũng là sông nước, nhưng khác với cầu cảng Sydney và nhà hát Con Sò, cái nét lãng mạng của người Nga khi đưa dòng sông này vào thơ văn khiến tôi có nhiều cảm xúc hơn. Nhà văn nổi tiếng Dostoevsky đã từng viết cuốn tiểu thuyết "Năm Đêm Trắng" để kể về các nhân vật mơ mộng từng vô tình gặp nhau hai bên chiếc cầu Cung Đình (Palace Bridge). Rồi từ đó họ có những cuộc hẹn hò mê đắm vào nhau, những "đêm trắng" bên nhau, và rồi cũng chính những người mơ mộng này lại chia tay nhau ở hai bờ dòng sông. Những mối tình ngắn từ tiểu thuyết đi ra khiến cho tôi cũng nao nao dù sau hàng trăm lần ngắm chiếc cầu mở ở cái thành phố biển lạ lùng này. Giống trong thơ của Olga Berggoltz khi gửi cho người cũ Boris Kornilov, nàng đã viết rằng:
Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ:
"Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nêva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà..."
Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu bây giờ anh có lý
Dù chuyện xong rồi, anh đã xa cách thế!
"Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo..."
Lũ trẻ lớn lên, giờ lại tiếp theo ta
Lại nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước
Vẫn sông Nêva, bóng chiều, sóng nước...
Nhưng nghĩ cho cùng, họ có lỗi đâu anh!
Chắc thương nhớ người cũ không có ai thắng nổi Olga đâu, nhưng đến tận cùng, nàng vẫn quay về một mình với chính con sông này: Em vẫn sống như ngày xưa từng sống/ Vẫn vui đùa, vẫn hát, vẫn cười vui/ Khi hè về đêm trắng vẫn dạo chơi,/ Vẫn ngắm Nêva những chiều ráng đỏ. Tình yêu qua đi, nhưng dòng sông vẫn đứng đó, chứng kiến những thế hệ tiếp theo lại rơi vào chiếc bẫy tình đó, nhưng suy cho cùng, có ai có lỗi đâu.
Tôi luôn bảo với bản thân rằng, nếu như có một nơi nào đó để dẫn người con gái tôi yêu tới thăm, tôi sẽ chọn thành phố này và dòng sông này. Không phải bởi cái sự lãng mạn kia, mà bởi rằng chính con người tôi dù đã xa nó tận 10 năm, vẫn có thể nhớ được từng viên gạch gập ghềnh vấp vỡ trên con đường ven hai bên sông. Mùa hạ là mùa du lịch, cứ vào độ này, tôi lại đi làm thêm nhiều hơn. Bén duyên với cái nghề dẫn du lịch từ năm 2 đại học, với lý do vì đây là cái nghề duy nhất mà tôi không phải làm "tay chân", và lý do thứ hai, tôi bị say xe, và đây là cách duy nhất mà tôi "lì lợm" chữa cái bệnh say xe của bản thân, là leo lên xe và đi cả ngày dài cùng đoàn khách. Gọi là nghề nhưng là học lỏm lại từ anh em trong ký túc xá, đặc biệt là từ anh Q., một người đi trước, lăn lộn nhiều, và mấy đứa nhóc bọn tôi hồi đó cứ có thời gian là phải chạy qua phòng anh để xin kinh nghiệm. Đôi lúc là những mẩu sách về lịch sử, kinh thánh, hội họa, kiến trúc, khi thì là những mẩu chuyện về kinh tế, xã hội. Saint Petersburg nơi tôi sống đó là một thành phố cổ kính, chứa đầy lịch sử di sản của không chỉ dân tộc Nga, mà còn của cả một Châu Âu những thế kỷ 17, 18. Để trở thành một người dẫn du lịch tốt, tôi buộc phải nhét toàn bộ cái đống kiến thức đó vào trong mình. Đi làm không phải lúc nào cũng chỉ cần mỗi kiến thức, đó là lúc phải hạ mình xuống để phục vụ khách, từ những điều nhỏ nhất như chăm sóc từng món ăn họ sẽ ăn, cho tới chiều lòng khách nam để đi chơi những địa điểm mà thường ngày tôi sẽ không bao giờ dám lui tới, đó là nghệ thuật tiếp rượu nhưng không uống rượu, đó là cách xem khách như là người trong nhà, đó là lúc phải ú ớ đọc thơ cho khách nghe khi ngồi trên xe: "Sao mày dẫn du lịch mà chỉ nói đc mỗi lịch sử và thông tin thế, để cô bảo cho mày, về học đi mấy bài thơ, mai đọc cho cô nghe." Sáng hôm sau lên xe, đi được một đoạn, tôi rén rén lấy hết can đảm và đọc thật: Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả./ Matxcơva lại đã thu rồi!/ Bao khu vườn như lửa chói ngời,/ Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ/ Những tấm biển treo dọc đại lộ/ Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi/ Nhắc cả những ai cô độc trong đời:/ "Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”. "Oh thằng này giỏi, vậy là biết tiếp thu rồi đó. Nhưng sao đang ở Xanh mà lại đọc thơ về Mát." "Dạ là vì những hàng cây bạch dương, biểu tượng những con người Nga khẳng khái, không chỉ có mỗi ở trên Mát ạ, ở đây cô nhìn xem, hai bên đường cũng là các hàng cây dài đó."
Mọi người vui, và tôi cũng vui, vì đó là những lúc tôi lớn lên, trưởng thành lên. Những đoàn người tới, rồi họ lại đi, có một số khi chia tay ở sân bay thì ôm lấy tôi rồi khóc ngon lành (dù họ đều rất lớn tuổi và là người thành đạt ở Việt Nam), họ bảo thương cho con giờ này phải ở lại đây một mình.
Tại sao lại gắn với dòng sông Neva ư, vì mỗi tối khi ai đó trong đoàn muốn đi ngắm cầu mở (vào tầm 1h sáng), thì tôi lại dẫn họ đi. Nhưng khi cầu mở ra rồi, thì tới sáng nó mới đóng lại, thế là tôi kẹt luôn trên hòn đảo nơi khách ở, và không thể về lại ký túc xá. Mỗi đêm như vậy là những đêm dài lang thang, từ sảnh khách sạn, quán pub, cho tới những ngày dài lê thê hai bên bờ sông Neva. Bỗng nhớ lại, có không ít lần tôi được lời mời ở lại phòng khách sạn cùng khách, và thường là các chị gái trẻ ngang ngang tuổi, đó là lúc cái bản lĩnh trong nghề này lại phải được tôi luyện, phải biết cách để từ chối nhưng sáng hôm sau vẫn có thể vui vẻ nhìn mặt nhau để tiếp tục di chuyển tham quan. Các bác trai bác gái xúc động một, thì các chị gái sẽ nhiều cảm xúc hơn. Họ xa người thân, xa môi trường quen thuộc, và chuyến đi như một cái cuộc tẩu thoát ngắn ra khỏi cuộc sống kia vậy. Họ sang một nơi xa lạ, và tôi là nơi họ bấu víu vào duy nhất, từ ăn ở đi lại, hỏi han, đến cả những cuộc tâm sự ngắn về công việc, cuộc sống, tình yêu, khi họ đứng miên man ngắm chiếc cầu mở ảo diệu mơ mộng kia.
Quay lại với thực tại, giờ tôi ở một nơi xa tới hàng chục nghìn dặm, và cái ký ức thời sinh viên 10 năm trước đã xa. Nhìn lại bức ảnh hoàng hôn tôi chụp vội vào một buổi chiều tháng năm của 10 năm trước, lại nhớ những dòng thơ xưa: Dạo Neva nghe hoàng hôn vỗ sóng/ Gom nắng chiều huyền hoặc gửi vào thơ/ Bỗng em ơi, nắng tắt tự bao giờ/ Bỏ tôi đứng đấy, tâm hồn tương tư.
Chắc cũng như Olga, dòng sông kia vẫn ở đó, âm thầm chảy, ghi dấu những mối tình không có hoa hồng, không có ánh nến, chỉ có những ngọn đèn đường vàng vọt và bản hòa tấu của đất trời phương bắc, giữa cái se lạnh và không gian mờ ảo của đêm trắng, họ hát ca, họ say xỉn, và say đắm vào nhau dưới những cây cầu này.
Tự hứa rằng, nếu qua những đêm trắng đó, ai đó đi qua nhau, dòng sông sẽ lưu lại ký ức đó, và ai đó nếu vẫn ở lại bên nhau, họ sẽ đi với nhau cả đời. Nếu ai đó bên tôi, chắc chắn tôi sẽ đưa người đó quay lại đó, quay lại thăm dòng sông Neva cùng tôi.
Canberra, 2024.