Feb 4, 2020.
HOÀNG THẢO NGUYÊN - Luật sư (senior partner) cho 1 hãng luật tại Paris.
Thạc Sĩ Luật, Đại học Paris 2.
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế, đại học Aix — Marseille, Pháp. (Học bổng Eiffel từ chính phủ Pháp)
Cử nhân Kinh Tế Đối Ngoại — Đại Học Ngoại thương, Hà Nội.
================================
Trong bài viết có những bài học hay:
- Làm nghề luật sư ở Pháp như thế nào?
- Phụ nữ làm sao để cân bằng giữa gia đình, hôn nhân và công việc?
================================
LỜI MỞ
Khi nhắc đến Paris, mọi người sẽ nghĩ về những hình ảnh của tháp Eiffel đầy ánh sáng, nhà thờ Đức Bà với tiếng chuông vẫn vang vọng mãi về câu chuyện tình và thằng gù Quasimodo xấu xí, hay bảo tàng Louvre với nhiều điều bí ẩn từ những cuốn tiểu thuyết của Dan Brown. Paris còn là thành phố của tình yêu. Thảo Nguyên nói với tôi “Được yêu nhau ở Paris là một điều may mắn em ạ”. Đúng vậy, tôi đã từng trầm ngâm đứng trên cây cầu Pont Neuf, một trong những cây cầu cổ xưa nhất của Paris và nghĩ về các câu chuyện tình, những người tình trên cây cầu này. Tôi nhớ về một bộ phim kể về câu chuyện tình yêu giữa cô hoạ sĩ mù và một chàng vô gia cư. “Tình yêu của họ không có hoa hồng, không có ánh nến, dưới ngọn đèn đường vàng vọt và bản hoà tấu của đất trời Paris, họ hát ca, say xỉn, và say đắm nhau dưới chân cây cầu này.”
Paris cũng là câu chuyện tình của Thảo Nguyên và Nam Nghĩa, cũng không có hoa hồng và ánh nến, tình yêu của cô nàng luật sư nhỏ bé người Hà Nội và anh chàng tiến sĩ chuyên ngành xây dựng ở Paris đầy lãng mạn cũng trải qua rất nhiều thử thách, trải nghiệm.
Bài viết này tôi muốn kể về Thảo Nguyên, về tình yêu của chị, và tôi cũng sẽ dắt các bạn qua cách nhìn nhận của Thảo Nguyên và nghề luật sư, “Thời gian thì trôi đi, công lý vẫn còn tồn tại mãi mãi”, dòng chữ khắc trên chiếc đồng hồ mặt trời đặt trên đỉnh của toà nhà Toà Án Paris nổi tiếng có lẽ phần nào cho ta thấy quan điểm của Nguyên về nghề luật này.
ĐI NGƯỢC LẠI VỚI LỜI KHUYÊN CỦA MỌI NGƯỜI XUNG QUANH
Thảo Nguyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Gia đình bên nội của chị có nhiều người làm khoa học (Bác sĩ, nghiên cứu), còn bên ngoại lại có nhiều nghệ sĩ, nên tính cách và tư duy của Nguyên là sự pha trộn của hai điều đó: Luôn theo đuổi sự logic và tôn thờ cái đẹp.
Năm học xong cấp 3, Nguyên đăng ký thi vào trường đại học Ngoại Thương, khoa Kinh tế đối ngoại. Ngoại thương thời đó rất có giá và điểm đầu vào rất cao. Ngược lại với điều đó, Nguyên lại chưa bao giờ là học sinh đứng top đầu trong lớp và khá nghịch ngợm. Cô giáo chủ nhiệm của chị hồi đó đã khuyên chị thay đổi nguyện vọng và thi trường khác vì lo lắng rằng chị sẽ trật đại học. Nguyên mặc kệ và vẫn đi thi, và cũng đậu luôn vào với điểm số cao.
Kỷ niệm này giúp chị nhận ra rằng, chính mình phải hiểu rõ năng lực của mình, hiểu rõ mục tiêu mình hướng đến lẫn hậu quả dù tốt hay xấu, và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm từ sự lựa chọn đó. Cũng vì sau kỷ niệm này, Thảo Nguyên dần trải qua rất nhiều quyết định và lựa chọn táo bạo, từ việc quyết định tìm học bổng đi du học khi đang có công việc rất tốt, lấy chồng khi vẫn đang đi học, sinh con khi vẫn chưa học xong, rồi lại đi học một nghề khác khi đang có một công việc rất tốt trong một tập đoàn lớn. Mỗi trải nghiệm để rất thú vị và giúp Thảo Nguyên lớn lên hằng ngày về mọi mặt.
CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU GIỮA CHÀNG TRAI XÂY DỰNG VÀ CÔ NÀNG LUẬT SƯ
Chồng Thảo Nguyên là anh Bùi Nam Nghĩa, tiến sĩ khoa học vật liệu ngành xây dựng, hiện tại đang quản lý các dự án cho tập đoàn SETEC, Pháp. Nguyên và chồng quen nhau từ thời gian giao lưu tiếng pháp giữa các trường đại học, rồi cứ thế dính vào nhau từ Việt Nam cho tới bên Paris. Yêu nhau được 4 tháng thì quyết định cưới.
Nguyên kể “ Anh Nghĩa có vốn văn hoá vô cùng đa dạng và cởi mở, anh luôn biết lắng nghe và yêu quý sự khác biệt. Chị luôn ngưỡng mộ anh ấy bởi sự say mê trong nghề, vốn hiểu biết rộng nhưng lại vô cùng khiêm tốn và thích giúp đỡ người khác. Trong công việc, anh ấy luôn cẩn thận, chỉn chủ, nghiêm túc và khá là khắt khe. Nhưng lúc bên gia đình thì lại trẻ trung và đặc biệt rất chiều vợ.”
Thảo Nguyên mang bầu trong thời gian đang học, có những hôm vác cả bụng bầu chạy theo xe bus khi muộn học. Hồi mang bầu 6 tháng thì có 1 lần bị sốt phải nhập viện, lại đúng vào cuối kì nên mang theo cả sách vở vào bệnh viện ôn thi luôn. Em bé ra đời sớm hơn dự kiến nên ông bà ngoại chưa sang kịp, chỉ có 2 vợ chồng chăm sóc lẫn nhau.
Thời gian sau sinh con cũng là thời gian anh Nghĩa bước vào năm cuối của tiến sĩ và phải viết luận án. Thảo nguyên tranh thủ chăm con, và lúc con ngủ thì tranh thủ học và ôn bài. Lúc lên trường thì địu theo luôn cả em bé theo. Bận rộn và vất vả, nhưng cả hai vẫn yêu thương nhau. Thời điểm đó, chị luôn có anh bên cạnh. Nguyên kể “Nếu không có anh, là không có chị ngày hôm nay.” Anh đứng bên, đi cùng, ủng hộ, cổ vũ vô điều kiện mọi ước muốn của chị. Anh làm việc nhà, trông em bé, đưa đón con. Anh nói với chị rằng, điều may mắn nhất của anh tới giờ đó là được chăm sóc hai mẹ con.
Cháu lớn hơn một xíu, đi nhà trẻ, thì chị bắt đầu học lớp luật sư và đi thực tập tại văn phòng luật. Chồng cũng xong Postdoc và bắt đầu đi làm. Công việc bắt đầu ổn định hơn từ đó.
Thảo Nguyên thổ lộ “Nhưng rồi mọi việc cũng đâu vào đó. Nên là các bạn trẻ đừng sợ kết hôn sớm, đừng sợ có em bé nhé. (cười). Chúng ta hoàn toàn có thể làm được 2 việc một lúc nếu biết cách sắp xếp thời gian và chia sẻ công việc giúp đỡ lẫn nhau.”
GIỮ LỬA TÌNH YÊU NHƯ THẾ NÀO
Tôi hỏi chị Nguyên về bí quyết làm sao để giữa những khó khăn đó, hai người vẫn yêu nhau nhiều đến vậy, chị kể:
“Anh chị thì không có bí quyết gì đặc biệt. Chỉ đơn giản là hãy quan tâm đến những gì mà bạn đời quan tâm, biết chia sẻ và biết lắng nghe. Chị rất thích lĩnh vực xây dựng, có thể nghe anh nói về bê tông, xi măng, hay các nguyên nhân gây nứt vỡ công trình cả ngày không chán, và ngược lại, anh cũng rất hứng thú nghe chị kể về các vụ kiện. Anh chị có thể nói chuyện, tranh luận thậm chí tranh cãi với nhau cả ngày không chán về mọi chủ đề.
Đàn ông hay kháo nhau, đời này có vợ rồi phải có cả hồng nhan tri kỉ. Nhưng một người vợ hoàn toàn có thể trở thành hồng nhan tri kỉ của chồng nếu cô ấy biết lắng nghe đam mê, hiểu và thông cảm cho những khó khăn của chồng trong cuộc sống và đưa ra những lời khuyên hữu ích, chứ không chỉ quanh quẩn nói về chuyện con cái, gia đình.
Ngoài ra anh chị cũng rất hay đi hẹn hò riêng như hồi yêu nhau, như đi ăn tối, đi xem kịch, xem phim hay đi nhảy.”
LÀM SAO ĐỂ PHỤ NỮ CÂN BẰNG GIỮA GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC
“Luôn luôn và lúc nào cũng có những khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Ngày nào, phút nào cũng có. Ví dụ ngay tại thời điểm chị viết bài này, bên Pháp đang đình công, con chị không được đi học vì cô giáo cũng tham gia đình công, chị có một vụ kiện xử tại tòa thương mại Paris trong chiều nay, chồng thì đang đi công tác dưới miền Nam nước Pháp.
Vậy khi không thể tự mình vượt qua khó khăn, hãy biết đi tìm sự giúp đỡ. Sự giúp đỡ từ chồng, từ gia đình, từ những người xung quanh. Đó là bài học mà một người có cái tôi cao như chị đã học được.
Chị thấy, phụ nữ Pháp cùng khá giống phụ nữ Việt Nam với tình yêu và trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nhưng phụ nữ Pháp độc lập hơn về mặt suy nghĩ, không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều tiếng xã hội và gia đình. Nhưng phụ nữ Việt Nam lại chăm chỉ, chịu khó hơn. Những điều trên vừa là điểm mạnh nhưng nếu quá, sẽ trở thành điểm yếu. Cả phụ nữ Pháp và phụ nữ Việt Nam đều phải chịu những trở ngại về giới như nhau trong công việc (bất bình đẳng về lương, về cơ hội thăng tiến về cơ hội tiếp cận việc làm), nhưng phụ nữ Pháp tư tưởng thoáng hơn trong việc dám thành công.
Còn về tình yêu, phụ nữ Việt Nam chúng ta nên học phụ nữ Pháp ở khoản biết đòi hỏi và làm nũng, còn phụ nữ Pháp thua Việt Nam ở tính dịu dàng, biết lắng nghe. Với các bạn trẻ Việt Nam, chị khuyên các bạn đừng quá ôm đồm, hay biết chia sẻ công việc cho bạn đời và hơn hết, dám ước mơ, biết hành động, dám thành công.”
LÀM NGHỀ LUẬT Ở PHÁP NHƯ THẾ NÀO
Hiện Thảo Nguyên đang là Luật sư thành viên (Senior Partner) cho một hãng luật tại Paris. Sắp tới chị có kế hoạch mở chi nhánh của hãng tại Việt Nam.
Lĩnh vực hành nghề của yếu của chị là Luật Kinh Doanh, Luật Thương mại, Luật Lao Động, Thuế và Sở hữu trí tuệ, về cả tranh tụng và tư vấn. Khách hàng cũng vô cùng đa dạng, từ các cá nhân, đến các công ty nhỏ và vừa, đến các tập đoàn trong nước hay đa quốc gia. Nội dung tranh chấp hay tư vấn cũng vô cùng phong phú, từ những tranh chấp trong hợp đồng lao động của người lao động bị bóc lột, đến những thương vụ triệu đô. Một trong những điều chị thích khi hành nghề Luật tại Pháp, đó là không có khái niệm « con kiến kiện củ khoai » mà chỉ có tinh thần « Thượng tôn pháp luật ».
Luật sư cũng mang lời thề thiêng liêng như lời thề Hypocrat của ngành y vậy « Tôi thề, với tư cách là một luật sư, thực hiện các nhiệm vụ của mình với nhân phẩm, lương tâm, tinh thần độc lập, sự thành thật và tính nhân văn ».
Luật sư sẽ bảo vệ lợi ích của khách hàng, nhưng mà lợi ích hợp pháp và/hoặc 1 cách hợp pháp. Vì sao chị để và/hoặc, vì đôi khi luật pháp vẫn có những kẽ hở để mọi người lách. Giới luật sư hay nói đùa với nhau là học luật không phải để tuân thủ và là để biết cách lách luật.
Vậy giữ đạo đức trong nghề như thế nào là sự lựa chọn của từng luật sư, theo từng trường hợp cụ thể và theo tiêu chuẩn đạo đức của của từng người.
Chị đang có một khách hàng là doanh nghiệp khai thác chuỗi khách sạn tại Paris. Các cổ đông đang muốn chia tách ra để khai thác riêng và phát triển riêng. Nếu cứ thế mà làm thị họ sẽ phải chịu những khoản thuế rất nặng, đồng thời phải chi ra một khoản tiền rất lớn để thực hiện việc chia tách này.
Chị có nhiệm vụ là tư vấn các biện pháp để họ có thể thực hiện với ít chi phí nhất và ít phải đóng thuế nhất. Nếu không biết cụ thể thì mọi người sẽ nghĩ là giúp khách hàng trốn thuế. Nhưng sự thật đó là tìm phương án giúp khách hàng chỉ trả đúng cái chi phí và phần thuế mà họ có nghĩa vụ phải trả, chứ không phải là nhiều hơn nghĩa vụ thực tế (đôi khi doanh nghiệp không được tư vấn đầy đủ thường bị mất nhiều chi phí và trả những khoản thế không cần thiết mà đáng lẽ ra có thể tránh được).
Có những hồ sơ chị phải trừ chối vì nó nằm ngoài giới hạn đạo đức của chị, dù chị hoàn toàn có thể làm được một cách hợp pháp.
Nghề Luật sư là nghề có tính đối kháng cao, dành cho phái mạnh, lại đòi hỏi kinh nghiệm và làm chủ ngôn ngữ một cách hoàn hảo. Do vậy, khi hành nghề Luật sư tại Pháp, chị gặp nhiều trở ngại hơn các đồng nghiệp khác vì, là phụ nữ, lại trẻ tuổi và là người nước ngoài. Tạo niềm tin và giữ vững niềm tin đó đối với các đồng nghiệp, đối tác và khách hàng là cả một nghệ thuật mà chị vẫn đang tiếp tục phải học hỏi và rèn luyện.
BUSSINESS PROFESSIONAL WOMEN VÀ CÁC VẤN ĐỀ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI.
Thảo Nguyên cũng là một thành viên của BPW. BPW International là một tổ chức được thành lập bởi Tiến sĩ Lena Madesin Phillips vào năm 1930. BPW International là một trong những mạng lưới quốc tế có ảnh hưởng nhất đối với phụ nữ trong giới kinh doanh và các lãnh đạo nữ với các chi nhánh tại hơn 100 quốc gia ở năm châu lục. BPW International phát triển tiềm năng làm việc và lãnh đạo của phụ nữ ở tất cả các cấp thông qua vận động, giáo dục, cố vấn, kết nối mạng, xây dựng kỹ năng và các chương trình và dự án trên toàn thế giới , với mong muốn xóa bỏ mọi sự đối xử phân biệt với phụ nữ và với mục đích trao cho phụ nữ sự độc lập về kinh tế, cơ hội bình đẳng trong cuộc sống, phát triển tiềm năng chuyên môn của phụ nữ.
Khi hỏi về cách nhìn của mình về phụ nữ Việt Nam. Thảo Nguyên chia sẻ, mọi người khi đi ra thế giới đều có thể thấy rõ sự ngưỡng mộ của họ với Phụ nữ Việt Nam bởi sự chu toàn của họ. Bạn bè chị là nam giới Pháp còn độc thân đều mong muốn chị tìm giúp cho một bạn gái người Việt. Nhưng đôi khi sự chu toàn cũng là một điều cản trở. Họ muốn tự làm mọi thứ, quản lý mọi thứ. Thực ra, chính phụ nữ hãy biết tự giải phóng mình, hãy biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía mọi người, đặc biệt là từ người bạn đời của mình. Anh ấy có thể rửa bát lần đầu không sạch, thì hãy biết động viên hướng dẫn cho lần sau tốt hơn, chứ đừng trách móc, ca cẩm rồi tự làm lấy.
Phụ nữ Việt Nam thế hệ Z đã có rất nhiều tiến bộ hơn so với thế hệ X hay thế hệ Millenials bọn chị rồi. Các em bây giờ đã có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thông tin và nói lên tiếng nói của mình thông qua các công cụ xã hội (mạng xã hội, sự kiện,…). Và chính thế hệ Z các em là người định hình xu hướng về mọi mặt từ giải trí, thời trang cho đến tiêu dùng, và có tầm ảnh hưởng ngược lại thế hệ Millenial.
Chị có một lời khuyên cho các bạn nữ, rút ra từ chính trải nghiệm của chị, là hãy cứ dám ước mơ, biết thực hiện, dám thành công và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện chúng tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp với tôi. Xin cảm ơn.