Jan 10, 2020.
TRẦN PHƯƠNG VY - Hiện nay (2024), Vy đang là nghiên cứu sinh năm cuối. Khi tôi viết bài này, Vy đang là:
NCS Tiến sĩ Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ.
Tốt nghiệp xuất sắc (top 1%) Đại học Georgia State University
Nhận giải Tox21c Student Award bởi hiệp hội Độc chất học Hoa Kỳ.
Nhận giải Who’s Who among Students in American Universities and Colleges.
================================
Trong bài viết có những bài học hay:
- Từ cao đẳng, lên đại học và đến nghiên cứu sinh trường top đầu thế giới.
- Nghiên cứu y tế ở trường đứng đầu thế giới về y tế công cộng có gì khác?
- Xây dựng mô hình chuyển hoá chất sắt trong môi trường vi mô ung thư.
================================
Vy : Chào anh, hôm nào đó em nói chuyện với anh để em hỏi anh một số big questions anh nhé.
Duy : …
Vy : Dạ philosophical questions thôi anh ơi. (Cười). Ví dụ như mục tiêu cuộc sống của anh là gì đó. Em luôn thích hỏi như vậy với các bạn em mới quen để tìm hiểu thêm về họ.
Đoạn hội thoại ngắn trên có lẽ đã miêu tả khá lớn về Vy trong tôi, một cô bé luôn khiêm nhường và luôn muốn học hỏi. Trò chuyện với Vy, tôi thấy cuộc đời em rất hay ho với rất nhiều ngã rẽ, rất nhiều sự thay đổi trong cuộc sống, nhưng cho dù ở đâu hay làm gì, em luôn giữ tinh thần đó, luôn cố gắng nỗ lực hết mình, luôn lạc quan và luôn khiêm tốn. Những gì Vy đạt được đến bây giờ là bằng chứng cho việc ngoài trình độ giỏi, thì thái độ mới là yếu tố quyết định thành công.
Vy có nói, trong Harry Potter và Hòn đá phù thuỷ, giáo sư Dumberdore nói người hạnh phúc nhất thế gian là người nhìn vào Tấm gương ảo ảnh (một tấm gương mà khi nhìn vào đó bạn thấy ước mơ và tham vọng của bạn thành hiện thực ở trong gương) và chỉ nhìn thấy mình là chính mình. Bài viết này sẽ thay tấm gương kia của vị giáo sư già kia, kể cho các bạn nghe về cô bé dễ mến này nhé.
================================
BÀ NGOẠI VÀ MẸ — NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA CUỘC ĐỜI VY
Tôi muốn bắt đầu câu chuyện với hai người phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn tới Vy — bà ngoại em và mẹ em. Vy sống cùng ngoại từ năm lớp 6 đến lớp 9. Ngoại là người phụ nữ rất kiên cường. Ông ngoại bỏ đi khi cậu và mẹ em còn nhỏ, một mình ngoại cứ thế nuôi cậu và mẹ Vy lớn lên qua cả cuộc chiến. Nhưng ngoại em rất ít kể về khó khăn hay về chuyện xưa của mình. Trong em, bà ngoại là hình ảnh ai đó hay đi bộ để mua đồ ăn sáng cho em, cho em biết được hạnh phúc giản đơn có thể chỉ đến từ những vườn hoa trái trong nhà. Sau này ngoại bệnh thì mẹ Vy nghỉ làm để chăm sóc Vy và ngoại. Vy còn nhớ từ bé, cứ chờ đợi tiếng xe máy của mẹ từ đầu ngõ và chạy ra đón mẹ, giúp mẹ nấu ăn và mẹ sẽ dạy Vy học toán. Em sẽ đứng kế bên mẹ lúc mẹ rửa rau, đọc đề toán, và mẹ dạy cho em nghe hay gợi ý cho em cách giải tốt hơn. Mẹ Vy luôn dạy con phương pháp học, cách suy nghĩ, nhưng mẹ không bao giờ quan trọng việc Vy có đạt giải thưởng gì hay thành công như thế nào. Đến bây giờ, khi Vy sống ở bên thành phố Baltimore xa xôi, mẹ vẫn luôn gọi cho Vy và hỏi “Con có khoẻ không?” “Con hôm nay có chuyện gì vui không?”, với mẹ em, hạnh phúc của Vy mới là điều quan trọng nhất. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến con đường sự nghiệp của Vy và ở việc tại sao Vy bỏ nghành Y và cơ hội làm bác sĩ để chuyển qua nghiên cứu (Tôi sẽ viết kỹ hơn ở dưới). Mẹ Vy từng nói: “Làm công việc gì cũng được, miễn con thấy phù hợp với mình và nó khiến con hạnh phúc.”
SỐNG XA NHÀ TỪ RẤT BÉ
Vy sinh ra lớn lên ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong 1 gia đình trung lưu. Em trai Vy hiện đang thực tập bác sĩ ở thành phố Bến Tre. Ba Vy làm ngân hàng, và mẹ em ở nhà chăm vườn và chăm sóc hai chị em Vy.
Vy lớn lên chuyển chỗ ở khá nhiều lần. Sang năm cấp 2 thì Vy chuyển qua THCS Vang Quới và ở với ngoại, lên cấp 3 thì em lên thành phố Bến Tre và ở ký túc xá trường THPT chuyên Bến Tre. Từ bé Vy vốn nhút nhát và sống nội tâm, khá ít nói, nên việc chuyển chỗ ở nhiều lại ảnh hưởng đến Vy hơn. Vy có ít bạn bè, nhưng Vy kể, có lẽ cũng vì thế mà em có nhiều thời gian rảnh để đọc sách và học hơn. Vy có một nhóm bạn rất thân sống cùng ký túc xá hồi THPT và đến giờ em vẫn chơi cùng và giúp đỡ em trong dự án xã hội. Một điểm lợi của việc sống xa nhà như vậy có lẽ là giúp em sau này tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều khi em một mình qua Mỹ. Vy nói, “Với em, vùng an toàn của ai đó là một vùng co dãn được, mình ít thử thách nó thì nó thu hẹp lại, còn mình chịu khó đẩy giới hạn ở rìa của nó thì nó sẽ mở rộng ra.”
THAY ĐỔI LẦN THỨ NHẤT — BỎ NGÀNH NGÂN HÀNG ĐỂ ĐI MỸ HỌC NGÀNH Y (PRE-MED SCHOOL)
Ba mẹ làm ngân hàng, và nhiều cô, chú, người thân trong gia đình đều theo ngành này, nên định hướng ban đầu của Vy hồi cấp 3 là theo nghiệp của gia đình. Do đó, học xong phổ thông, Vy thi vào khoa Kinh Tế Luật, Đại học Quốc Gia TP HCM. Nếu không có gì thay đổi, cuộc đời Vy sẽ làm ngân hàng như mọi người trong gia đình.
Tuy nhiên, Vy luôn nhen nhóm cơ hội đi du học từ những năm tháng học sinh. Học chuyên Anh khiến Vy cũng mở hơn trong tư tưởng và luôn muốn tìm hiểu về cuộc sống, giáo dục ở nước ngoài. Nhưng mức học phí của các trường bên Mỹ rất cao và gia đình Vy không thể chi trả được. Có lẽ vì thế, Vy đã ôn thi đại học một cách nghiêm túc để phát triển sự nghiệp của mình ở Việt Nam và đậu với điểm số cao. Nhưng như 1 ngã rẽ, chỉ sau 3 tháng, Vy quyết định qua Mỹ theo học trường cao đẳng cộng đồng Georgia Perimeter College với học phí vào khoảng $5000/một năm. Vy nghĩ, em qua đó, rồi ở nhờ nhà cậu, rồi sẽ đi làm thêm để trả học phí. Vy nói là làm, em qua Mỹ và vừa đi học vừa làm nhiều việc một lúc, từ dạy kèm cho lớp ở đại học, dạy riêng cho sinh viên, săn đủ các loại học bổng để có thể trả đủ chi phí cho việc học. Lựa chọn táo bạo ngày đó mở ra cho Vy một con đường mới, Vy chọn vào chương trình tình nguyện để sinh viên giao tiếp tốt hơn với người bản địa, ở đây Vy được làm việc ở một bệnh viện Nhi ở thành phố Atlanta. Trong hai tháng ở bệnh viện, Vy chủ yếu đọc sách cho các em bé lúc đang chờ khám bệnh, nên em được tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân, tình yêu về nghành y của em nảy nở từ đó, vì thế, em quyết định học đại học PreMed ngành sinh học để sau này theo nghề y, làm bác sĩ.
TOẢ SÁNG TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Vy chuẩn bị rất chi tiết cho mục tiêu thành bác sĩ của mình. Từ năm nhất trong trường cao đẳng, em đã lùng sục các trang web của trường để tìm các cơ hội nghiên cứu, vì Vy biết, những hoạt động này sẽ giúp hồ sơ và trường Y của em mạnh hơn. Cơ hội đầu tiên đến với em từ chương trình DiscoverLife Internship, một chương trình nghiên cứu về hệ sinh thái ở Georgia. Ở đây, Vy được làm việc với giáo sư Jonathan Lochamy, người giúp em trong việc chụp ảnh động thực vật, phân loại động thực vật và các ghi chú sơ bộ. Qua chương trình này, Vy được tham gia hội thảo khoa học đầu tiên và giành giải nhất trong một hội thảo khoa học khác.
Hết 2 năm cao đẳng, Vy chọn trường Georgia State University (GSU) để học tiếp đại học. Lý do cũng vì trường này có học phí rẻ hơn nhiều so với các trường khác. Không phải là trường top, nhưng Vy nghĩ, cố gắng hết sức để làm một con cá lớn trong hồ nước nhỏ cũng sẽ có lợi. Như vậy sẽ tận dụng được toàn bộ kiến thức và cơ sở vật chất của trường, và vì trường nhỏ hơn, nên thầy cô cũng sẽ chú ý mình hơn, nên mình cũng dễ được có cơ hội làm nghiên cứu hơn. Đúng là như vậy, ở GSU, Vy được gặp giáo sư Bingzhong Xue, người đã cho Vy cơ hội nghiên cứu về bênh tiểu đường và epigenetics, và trả lương cho em. Em làm việc rất hăng say và kết thúc đại học với 1 bài báo khoa học (second author). Vy cũng tốt nghiệp xuất sắc với điểm GPA lên tới 4.01/4.00 và được nhận rất nhiều học bổng, có thể kể đến Dr. July C. Johnston Scholarship, Ezzard Scholarship, Alumni Max M. Cuba Scholarship, John E. Aderhold Fund for Excellence Scholarship và nhiều giải thưởng khác nhau như University Scholar, Who’s Who among Students in American Universities and Colleges.
NỘP ĐƠN VÀO TRƯỜNG Y?
Ở Mỹ, để được vào học 4 năm trường y, thì một sinh viên phải học 4 năm đại học trước. Với kết quả tốt nghiệp đại học xuất sắc, Vy vẫn theo kế hoạch của mình, ôn thi và thi MCAT (Kì thi chuẩn hoá đầu vào cho các trường Y), và nộp hồ sơ vòng 1 cho các trường Y ở Mỹ. Vy đã chuẩn bị cho cơ hội này từ những năm đầu của đại học, đã tạo cho mình một hồ sơ đẹp nhất với điểm cao, nghiên cứu tốt, và các chương trình tình nguyện theo chân của bác sĩ trong bệnh viện. Vy biết, nghề Y rất danh gíá ở Mỹ và là thước đo cho sự thành công, cả về tiền bạc, danh vọng và học thức.
Nhưng trong quá trình này, Vy bắt đầu nghĩ lại 4 năm đại học của mình. Em nhớ đến những năm cuối khi được theo chân một vài bác sĩ ở bệnh viện Emory và bệnh viện Piedmont ở Atlanta và tiếp xúc trực tiếp hơn với công việc của một bác sĩ. Vy nhận ra rằng nghề này không hợp với em, và em cũng nhận ra rằng, làm bác sĩ với em chỉ đang là một thước đo cho sự thành công, nhưng nếu chỉ vậy thì em sẽ đi làm mà không có thấy niềm vui trong công việc, cho dù đó là công việc đáng mơ ước của nhiều người.
Rồi em cũng nghĩ lại về quãng thời gian em làm nghiên cứu. Từ những năm đầu sinh viên khi em được đi ra các đồng cỏ thuộc công viên Stone Mountain ở Georgia để thu thập ảnh động thực vật, cho tới những giờ nghiên cứu trên tế bào tới đêm khuya trong phòng thí nghiệm, tất cả đều làm em rất thích thú và say mê. Rồi cả những hôm đi hội thảo và được trao đổi khoa học với các bạn đồng nghiệp và các thầy cô, em cũng rất phấn khích.
Vy tự hỏi, có phải vì em đang phấn đấu cho một bộ hồ sơ đẹp để nộp vào các trường Y, hay là em thực sự đam mê với nghiên cứu nên đã giúp em có một kết quả đại học tốt như vậy?
Hai tháng trước kì deadline cho nộp đơn học tiến sĩ, Vy quyết định, em sẽ theo con đường nghiên cứu khoa học. Thời điểm đó, em cũng rất nhiều lúc tự hỏi, có phải mình đã thất bại không khi từ bỏ mục tiêu ban đầu của mình. Nhưng khi đã quyết định, Vy sẽ theo nó đến cùng. Vy kể rằng “với em thì theo đuổi mục tiêu và ước mơ tất nhiên cần sự dũng cảm, nhưng từ bỏ ước mơ khi nó không phù hợp với mình còn cần dũng cảm hơn rất nhiều.”
2 tháng đó cũng là 2 tháng Vy vật lộn với toàn bộ bộ hồ sơ của mình, từ việc hoàn thành các dự án trong phòng thí nghiệm, đến viết các bài luận, nhờ thầy cô viết thư giới thiệu. Vy chia sẻ “Cảm giác nộp hồ sơ lúc này khác hẳn với trước đây. Khi nộp hồ sơ cho các trường Y thì em cảm thấy áp lực nặng nề và hoài nghi, còn lúc nộp cho chương trình nghiên cứu thì tuy căng thẳng, nhưng cũng rất phấn khởi và nhiều hy vọng.”
Vy nộp đơn vào 2 trường rất lớn về Y tế cộng cộng, Emory và Johns Hopkins. Ngày mà em được Johns Hopkins gửi thư nhập học với toàn bộ học phí và chi phí ăn ở, hạnh phúc như vỡ oà với Vy. Dù em có thay đổi mục tiêu ban đầu, nhưng em biết cách dựa vào những kinh nghiệm mà em sẵn có để săn đuổi mục tiêu mới, điều đó giúp em thành công.
NGHIÊN CỨU Y TẾ CỘNG CỘNG Ở TRƯỜNG ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI TRONG NGÀNH.
Trường Bloomberg School of Public Health, đại học Johns Hopkins nơi Vy đang theo học là trường đứng số 1 thế giới về y tế cộng cộng trong suốt 25 năm qua. Ngoài các giờ giảng dạy và các giờ trong phòng thí nghiệm, những buổi họp nhóm hay chấm bài như các trường khác, Vy kể, ở trường em, em có thể tới nghe bài giảng của các giáo sư đạt giải Nobel ngay trong trường. Trong khoa, sinh viên không bị hạn chế học các ngành, môn khác nhau từ các khoa khác, và tất cả đều là miễn phí với NCS. Nhóm thí nghiệm của của em có khá nhiều bài báo trên các tạp chí như Science, Nature. Nhóm cũng được nhận rất nhiều tiền tài trợ, ví dụ như gần đây được nhận 8 triệu đô từ một nhà hảo tâm.
Trường và nhóm lớn như vậy, nhưng không chỉ thảo luận về khoa học, các đồng nghiệp và giáo sư đôi khi chỉ ngồi xuống với nhau để thảo luận làm thế nào để trình bài nghiên cứu sao cho thuyết phục nhất, hay thảo luận các luận mới từ FDA và EPA. Đây là một trong những điều mà Vy rất thích.
XÂY DỰNG MÔ HÌNH CHUYỂN HOÁ CHẤT SẮT TRONG MÔI TRƯỜNG VI MÔ UNG THƯ.
Đề tài tiến sĩ của Vy hiện tại là Dynamic modeling of iron metabolism in the tumor microenvironment (mô hình chuyển hoá chất sắt trong môi rường vi mô ung thư). Vy chia sẻ “Chất sắt là con dao hai lưỡi, nó là một chất cần thiết cho sự sống, là thành phần quan trọng để vận chuyển oxy cho cơ thế, tổng hợp DNA, vận chuyển electron, đóng vai trò cho sự phát triển của tế bào, nhưng đồng thời nó cũng tham gia các phản ứng oxy hoá khử, tạo ra các phân tử gốc tự do, có khả năng gây hư hại tới DNA. Do vậy cơ thể có các cơ chế để kiểm soát, vận chuyển, lưu trữ, tái chế iron rất chặt chẽ. Trong ung thư, sắt có vai trò trong việc tiến triển và di căn của khối u. Các thành phần mới đã được phát hiện trong những năm gần đây, nhưng chưa có một nghiên cứu nào xây dựng mô hình để nghiên cứu một cách hệ thống sự tương tác giữa các thành phần đó trong môi trường ung thư. Nghiên cứu của em muốn làm điều này thông qua sử dụng các số liệu từ bệnh nhân ung thư. Em sẽ chủ yếu sử dụng cái phương pháp bioinformatics. Nghiên cứu này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của chất sắt trong ung thư và giúp tìm ra các cách thức điều trị hiệu quả hơn tập trung vào iron pool trong tế bào ung thư và môi trường ung thư vi mô.”
Ngoài ra, Vy cũng tham gia vào một số dự án khác, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Em đang cùng một nhóm sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng mô hình chẩn đón rủi ro chấn thương thần kinh cho bệnh nhân đang sử dụng máy oxy màng ngoài cơ thể ở bệnh viện Johns Hopkins.
================================
Phương Vy, cô gái không thích lên kế hoạch chi tiết cho cuộc đời mình. Cô gái luôn chỉ mong được hạnh phúc. Em kể rằng, em mong rằng mình trở thành một nhà khoa học dữ liệu thật tốt, được nấu ăn với gia đình, và dành thời gian nhiều hơn với ba mẹ.
“Còn sau này thì để xem cuộc đời sẽ đưa mình đến đâu. Những kinh nghiệm trước đây giúp em nhận thấy nhiều khi những điều bất ngờ lại mở ra một chương thú vị hơn cho cuộc sống của mình.”
Vy hiện tại còn đồng sáng lập chương trình Nam Bo STEM Scholars Program, một chương trình trao học bổng cho học sinh giỏi, giúp đỡ các em học sinh và tổ chức các trại hè/hội chợ khoa học, bắt đầu từ các trường tại Bến Tre. Vy muốn đóng góp gì đó cho quê hương mình, bởi em thấy hình ảnh của mình ở các em nhỏ kia. Bản thân Vy từ cấp 1 cho tới cấp 3 chưa bao giờ được thực sự nói chuyện với các nhà khoa học, có thể trong chương trình này, các em nhỏ kia sẽ được biết tới khoa học là gì đó không ngoài tầm với, và các em ấy, cũng sẽ như Vy, dần dần tìm được hạnh phúc và thực hiện được ước mơ của mình.
Chúc Vy, cô gái có trái tim dũng cảm thành công.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện chúng tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp với tôi. Xin cảm ơn.