Jan 3, 2020.
KIỂU TRUNG HIẾU - Nghiên cứu viên sau tiến sỹ, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore.
Chủ tịch quỹ học bổng Đồng Hành, Singapore.
================================
Trong bài viết có những bài học hay:
- Nghiên cứu mô phỏng ở đại học top 10 thế giới có gì khác?
- Kỹ thuật kiểm tra chất lượng nước bằng quang phổ ảnh.
================================
“Nếu anh muốn hiểu người khác, hãy ngừng nói về bản thân mình, hãy bắt đầu đặt câu hỏi với người đối diện.” Đó là câu nói khiến tôi bắt đầu với ý tưởng thành lập trang Humans of GYVSF, để được hỏi và lắng nghe người khác. Câu nói đó dành cho tôi đến từ Hiếu, một chàng nghiên cứu viên sau tiến sỹ rất trẻ tuổi (SN 1992) của viện nghiên cứu nước và môi trường, đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Hiếu tốt nghiệp bằng giỏi đại học Thuỷ Lợi chuyên nghành thuỷ văn, với rất nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp khoa, cấp trường. Hiếu cũng từng đạt giải ba giải thưởng Loa Thành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Với thành tích như vậy, Hiếu nhanh chóng nhận được học bổng toàn phần tiến sỹ vào phòng thí nghiệm về nước lớn bậc nhất thế giới. Sau gần 4 năm, gần đây, em có khoe với tôi về emails của thầy rằng đồ án Tiến sỹ của em được hội đồng chấm bài dành rất nhiều lời khen ngợi.
Tôi gặp Hiếu, đó là một ngày cuối thu, đầu đông Hà Nội, trời nắng nhẹ nhàng và dòng người cũng không còn hối hả gay gắt như những ngày hè oi ả. Hiếu hôm đó dẫn tôi đi ăn bún chả. Hiếu bảo, thời tiết này rất hợp để ăn bún chả, để em đưa anh qua Hàng Than, mọi người hay nghe về Hàng Mành, nhưng bún chả thì em thấy Hàng Than ngon hơn. Tôi đùa rằng chắc lại ngày xưa yêu cô nào Hàng Than ah? Hiếu cười, ah nhà em ở Hàng Than đó anh.
Tôi hay gọi Hiếu là hoàng tử phố Cổ từ dạo đó. Hiếu trong mắt tôi có chút gì đó bụi bặm, một chút ngông, một chút mộc mạc, chân thành, nhưng cũng có chút lãng tử của trai Hà Nội. Một chút gì đó không phải là dân làm khoa học. Hiếu khá ít nói, nhưng nói câu nào là sẽ rất triết lý và sâu sắc, cứ như một anh chàng nào đó U40 đã rất trải nghiệm về cuộc đời, cuộc sống vậy.
Sau này, tiếp xúc nhiều hơn, tôi mới biết nhà Hiếu đã chuyển về sau bãi đê từ bé, từ năm em 10 tuổi thì gia đình không còn ở phố Cổ nữa. Và cuộc sống của em lớn lên trải qua rất nhiều thăng trầm, lo toan. Tất cả khiến em chững chạc hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
SỰ HY SINH CỦA MẸ
Hiếu lớn lên trong một gia đình có 2 anh em. Cuộc sống trải qua khá êm đềm cho tới năm Hiếu học cấp 2 thì cha em đổ bệnh. Cuộc sống gia đình đảo lộn từ đó. Để chữa bệnh cho cha, gia đình đã phải chạy vạy vay mượn khắp mọi nơi. Hiếu kể, hồi đấy em cũng chưa quá lớn để biết được kinh tế của gia đình như thế nào, bởi mẹ vẫn cố gắng lo cho em và em trai em một cuộc sống đầy đủ. Nhưng dần em biết được rằng, gia đình đang phải nợ rất nhiều, và em bắt đầu thấy được sự khó khăn, hy sinh, tất bật của mẹ chăm sóc cha bên giường bệnh. Em bắt đầu cảm nhận được kinh tế của gia đình từ những hình ảnh đó của mẹ. Em trai em lúc đó còn rất bé (học mẫu giáo) nên nó chưa hiểu chuyện gì cả. Em rất thương mẹ!
NHIỆM VỤ TỪ CHA
Hiếu ngồi với cha nhiều khi cha nằm bệnh, và cuộc nói chuyện của cha và con, của hai người đàn ông trong gia đình được Hiếu luôn khắc sâu trong mình.
Hiếu kể “Có nhiều lần hai bố con em dành thời gian riêng cho nhau, lúc ấy bố em biết thời gian của ông không còn nhiều nữa, và ông luôn chia sẻ với em những câu chuyện, mong muốn của ông. Bố em qua những câu chuyện đã ngầm ký thác những mong muốn của ông về gia đình sau này cho em.” Qua bố, em hiểu rằng, em sẽ chăm sóc mẹ và em trai thay ông, và em biết, em sẽ phải cố gắng để trở thành người đàn ông của gia đình.
Rồi trong những khoảng thời gian riêng đó, Hiếu được nghe bố kể về những kỷ niệm của hai bố con ngày xưa, kể về những ngày Hiếu cất tiếng khóc đầu tiên, những bước đi đầu tiên như thế nào. Rồi kể Hiếu nghe về những ngày ông dạy em tập bơi ở Hồ Tây, ông đùa rằng, ông không cho Hiếu tập bơi ở sông Hồng, vì tập bơi ở sông sẽ chậm hơn so với ở hồ.
Câu chuyện đó cũng đọng lại trong Hiếu mãi đến sau này, khi Hiếu được bác ruột của mình giới thiệu cho em biết về nghành Thuỷ Văn. Bác em nói, học về thuỷ văn, em sẽ được học rất nhiều thứ liên quan tới nước, từ tưới tiêu cho tới dự báo lũ lụt, hán hán. Và em sẽ được biết sông và hồ khác nhau như thế nào.
Hiếu luôn tò mò về sự khác nhau giữa sông và hồ đó từ câu chuyện bên bố, và từ giới thiệu của bác, Hiếu quyết định, sau này thi đại học, em sẽ thi Thuỷ Văn.
Cuối năm lớp 12 cũng là năm Hiếu tạm biệt bố mình. Bố mất, Hiếu, giữ trong lòng những bài học cuộc đời của ông, hình ảnh vất vả hy sinh của mẹ, em mang theo cả những nhiệm vụ gia đình đó cùng với sự cháy bỏng và khát khao của chàng thanh niên trẻ lên với giảng đường đại học Thuỷ Lợi.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TỪ RẤT SỚM.
Hiếu bắt đầu với nghiên cứu khoa học sinh viên từ năm nhất đại học. Em kể, những bài học ở giảng đường rất lôi cuốn em. Mỗi bài giảng em học được, em đều muốn giải thích nó bằng những điều mình gặp ở bên ngoài. Ví dụ như ngày xưa mẹ em có hay nói, nhà mình ở hành lang thoát lũ, nhưng mà vẫn có sổ đỏ đó con. Hiếu bây giờ mới hiểu được khu chậm lũ là gì, hành lang thoát lũ là gì, tại sao ở trước nhà mình lại có một con đê to như vậy. Những điều đó càng thôi thúc em tò mò và quan tâm nghiên cứu tìm hiểu về thuỷ văn hơn.
Tôi hỏi Hiếu làm sao để em cân bằng được giữa việc học trên giảng đường, và việc tham gia các dự án nghiên cứu. Hiếu kể rằng, em không có bí quyết gì đặc biệt. Nhưng em luôn cố gắng tìm cách học và sau đó giảng lại kiến thức em học được cho nhóm bạn của mình. Khi em giảng bài cho các bạn, em sẽ hiểu sâu hơn và nhớ được lâu hơn.
Nghiên cứu khoa học thời sinh viên cũng làm Hiếu thôi thúc tìm hiểu về các công nghệ mới. Hiếu luôn tự hỏi, liệu rằng không biết ở nước ngoài, họ có dạy, học và nghiên cứu về thuỷ văn giống như mình không. Em nhìn bạn bè cùng trang lứa đi du học tự túc (Hiếu học cấp 3 THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, nơi kinh tế của các bạn đều khá giả hơn mình rất nhiều.), em cũng thèm khát được bay xa như vậy lắm, nhưng gia đình em không cho phép. Những tò mò về công nghệ và khao khát được đi ra ngoài khiến em cố gắng học nhiều hơn, đạt điểm số cao hơn, để sau này em có thể xin được học bổng.
Nỗ lực của em được đền đáp khi em được học bổng toàn phần tiến sỹ tại một trường đại học hàng đầu thế giới (đứng thứ 10 thế giới), và em cũng được thoả ước mơ của mình khi em chia sẻ “Singapore không có nhiều hệ thống sông, nhưng quy hoạch kênh rạch, sông ngòi của họ rất phát triển với rất nhiều hệ thống thoát nước. Ở Singapore, em sẽ có cơ hội được học hơn nhiều về thuỷ văn.”
NGHIÊN CỨU VỀ MÔ PHỎNG TẠI MỘT TRƯỜNG TOP TRÊN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO.
Nghiên cứu của anh Hiếu trong quãng thời gian tiến sỹ liên quan đến mô phỏng mô hình vật liệu nano. Hiếu tập trung vào việc sử dụng các vật liệu này phủ trên bề mặt nước biển. Tấm vật liệu sẽ hấp thụ năng lượng mặt trời và làm nóng bề mặt nước. Qua đó sẽ tăng cường sự bốc hơi và cải thiện hiệu quả quá trình chưng cất nước biển.
Để mô phỏng được quá trình chưng cất trên, Hiếu phải nghiên cứu với hàng chục nghìn các phân tử nước phản ứng với nhau, và phản ứng giữa các phân tử với tấm vật liệu. Mỗi quá trình va chạm và phản ứng đó, sẽ có rất nhiều phương trình chuyển động, phương trình phản ứng được giải, và sẽ cần tới một hệ thống máy tính khổng lồ.
Hiếu chia sẻ, ở phòng thí nghiệm, Hiếu sẽ được chạy trên mỗi chiếc máy tính 12 cores cho các thử nghiệm ban đầu (test run), sau đó thí nghiệm sẽ được chạy trên một cái server riêng 244 cores, hoặc là trên hệ thống siêu máy tính của trường.
Thiếu bị và dụng cụ của trường rất hiện đại và giúp Hiếu thoả được ước mơ học về thuỷ văn của mình.
Em kể, ngoài ra, em cũng sẽ có các cuộc họp nhóm, các cuộc gặp với giáo sư. Tuy nhiên, ở nhóm em, hầu như mọi người sẽ nghiên cứu rất độc lập và hầu như sẽ tự mình từ khi bắt đầu bài báo cho đến khi xuất bản. Giáo sư thường chỉ đưa ra gợi ý và lâu lâu kiểm tra tiến độ. Những năm cuối, khi em quen việc hơn rồi, giáo sư chủ yếu sẽ giao việc cho em qua email.
Ngoài nghiên cứu, Hiếu cũng sẽ có cơ hội được giảng dạy, hướng dẫn sinh viên.
Tuy nhiên không phải vì thế mà giáo sư sẽ thả lỏng cho mình. Hiếu còn nhớ, hồi tháng 4, lúc đã ngỡ như xong xuôi và bắt đầu viết đồ án rồi, thì giáo sư lại giao cho Hiếu 1 bài báo mới, và Hiếu phải song song viết đồ án và hoàn thành bài nghiên cứu đó trong trong khoảng thời gian ngắn. Hiếu kịp xong bài báo trước khi tốt nghiệp, nhưng cũng là một kỷ niệm cho em về áp lực của việc học tiến sỹ ở một trường lớn như thế nào.
KỸ THUẬT KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG NƯỚC BẰNG QUANG PHỔ ẢNH.
Hiếu hiện tại đang tập trung vào dự án mới ở vị trí sau tiến sỹ tại trường. Ở dự án này, Hiếu được điều khiển những chiếc máy bay không người lái mà theo Hiếu kể là “Giá hơn 1 tỷ cho mỗi con như thế đó anh”. Máy bay sẽ được lái ra xa các bể nước, ra ngoài khơi và chụp ảnh bằng một chiếc hyperspectral camera. (Camera bình thường sẽ có 3 dải màu phổ RGB, chiếc camera này sẽ có đến hàng trăm dải).
Hình ảnh chụp được sau đó sẽ được đưa vào máy tính và được phân tích quang phổ phản xạ bề mặt nước để hồi quy ra tương quan của phổ phản xạ với nồng độ một số chỉ tiêu chất lượng như các chất TSS, Chrlorophyl, etc.
Tôi nghe nghiên cứu của Hiếu và nhớ về hiện tượng cháy rừng đang diễn ra tại Úc. Cháy rừng gây nên nhiệt độ cao và khói bụi và ảnh hưởng trực tiếp tới các hồ chứa nước. Khói bụi từ tro rơi xuống mặt nước làm tăng nồng độ một số chất hoá học, và cộng với sự tác động của nhiệt độ cao sẽ gây nên hiện tượng tảo nở hoa, làm nguồn nước có nguy cơ nhiễm độc rất cao. Úc đã đặt mức cảnh báo an toàn của đập nước lên mức báo động khi cháy rừng xảy ra. Nghiên cứu của Hiếu chắc chắn sẽ có ứng dụng rất lớn trong trường hợp này.
CHỦ TỊCH QUỸ HỌC BỔNG ĐỒNG HÀNH SINGAPORE
Tôi xin kết thúc bài viết với câu chuyện về Hiếu và mối lương duyên với học bổng Đồng Hành. Như chính cái tên của mình, quỹ học bổng sẽ trao tiền cho các sinh viên năm nhất và năm hai có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống ở 3 trường đại học tại Việt Nam. Ngoài giá trị vật chất kinh tế, quỹ cũng sẽ đưa ra lời khuyên, định hướng, giúp đỡ và Đồng Hành cùng các em trong cuộc sống và học tập.
Từ hoàn cảnh của mình, Hiếu hiểu được sự giúp đỡ như vậy là cần thiết như thế nào. Vì thế, em luôn tâm niệm, cuộc sống là hãy cống hiến và cho đi. Hiếu tham gia làm điều hành quỹ vì em biết, cũng như các em, nếu được định hướng phù hợp, sẽ có một ngày không xa, một trong số đó cũng sẽ đứng bên quốc đảo Sư Tử giàu có xinh đẹp và được lái chiếc máy bay không người lái trị giá hơn 1 tỷ đồng để làm nghiên cứu trong ngành mà mình đam mê.
================================
Có lẽ tôi vẫn sẽ gọi Hiếu là hoàng tử phố cổ như tôi hay gọi em. Nhưng chàng hoàng tử này, không giàu sang quyền quý về tiền bạc, quyền lực, mà là chàng trai giàu có trong trái tim về tình yêu thương mẹ, em trai, về lời hứa với người bố đã khuất, và về sự đam mê không giới hạn với ngành thuỷ văn. Tôi tin, bố em ở nơi xa kia, sẽ rất tự hào về con trai của mình.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện chúng tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp với tôi. Xin cảm ơn.