April 17th, 2023.
Trong quá trình học tiến sĩ, việc tham dự các hội thảo khoa học là điều bắt buộc. Đối với người nghiên cứu, nhất là người trẻ, ngoài các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí, sách vở, thì việc trình bày kết quả nghiên cứu của mình với đồng nghiệp ở các hội thảo cũng là một cơ hội rất lớn để có thể có thể tạo ra sự ảnh hưởng và truyền bá sự đổi mới (delivering impact and innovation) của nghiên cứu của bạn. Nhưng hơn hết, với một nhà nghiên cứu trẻ, thì hội thảo là nơi tìm kiếm cơ hội và nơi được học/hỏi trực tiếp (building network). Đó là nơi kết quả nghiên cứu của bạn được lắng nghe/đọc bởi các đồng nghiệp, giáo sư trong ngành, là nơi bạn có thể nhận được lời phê bình góp ý để cải thiện nghiên cứu, và cũng là nơi bạn giao lưu khoa học với mọi người, và có thể là nơi bạn tìm cơ hội hợp tác, cơ hội nghiên cứu, hay các mối quan hệ quan trọng cho sự nghiệp sau này (bản thân mình biết có nhiều bạn đã xin được postdoc nhờ vào tài giao tiếp trong một buổi hội thảo). Tuy nhiên, với một người hướng nội (INTJ with 96% Introvert) như mình, tham dự hội thảo đôi lúc sẽ là một cơn ác mộng.
Một hội thảo khoa học thường sẽ kéo dài khoảng 3–5 ngày. Trong ngày đầu tiên sẽ là dành cho việc đăng ký, các bữa tiệc chào đón nhẹ, và các bài phát biểu của khách mời. Các ngày tiếp theo sẽ là các buổi thảo luận được chia ra nhiều nhóm/chủ đề nhỏ. Mỗi bạn tham gia sẽ có cơ hội để trình bày nghiên cứu của mình, song song với đó thì ở hành lang sẽ treo các áp phích (poster) về các nghiên cứu đó. Xen lẫn giữa các phiên thảo luận đó sẽ là khá nhiều các buổi nghỉ ăn uống nhẹ (tea break, lunch break), với mục tiêu là để mọi người có cơ hội tiếp xúc và nói chuyện với nhau. Buổi tối thường sẽ có các bữa tiệc tối, nơi mà mọi người ngoài ăn uống nói chuyện, thì sẽ là cơ hội để các thành viên phát biểu, trao giải, và các hoạt động văn nghệ giao lưu. Ngoài ra, một số hội thảo cũng sẽ có một buổi riêng dành cho việc xây dựng các mối quan hệ (network building) mà có các điều phối viên chuyên nghiệp (professional facilitator) sẽ là quản trò, các buổi này có thể là đi tham quan phòng thí nghiệm, tham quan trường, các hoạt động thể thao. Một số hội thảo sẽ có các buổi workshop, các buổi dạy, training, ví dụ là các buổi dạy ngắn liên quan tới các kiến thức mới, chủ yếu sẽ hướng tới các bạn nghiên cứu sinh trẻ. Khá nhiều hội thảo bây giờ cũng gắn liền với các công ty, doanh nghiệp (industry), nên có kha khá các công ty sẽ tới tham gia, ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác về công nghệ, thì còn hoạt động như một cái hội chợ việc làm nơi mà khá nhiều các bạn nghiên cứu sinh thảo luận về cơ hội làm việc của mình sau tốt nghiệp. Cuối cùng, tất nhiên đó còn là những đêm sự kiện được chia riêng cho mỗi các cấp bậc, bậc trẻ như tụi nghiên cứu sinh thì kéo đến quan bar rồi tiệc tùng với nhau, bậc già lão niên như các giáo sư thì kéo nhau tới một số câu lạc bộ, bảo tàng, triển lãm trong thành phố.
Và các bạn có thể thấy, tất cả mọi hoạt động trên, đều cần sự giao tiếp giữa con người và con người, giữa bạn và rất nhiều người, với một người hướng nội như mình, phải mất rất nhiều thời gian mình mới tìm được lý do để không bỏ cuộc và tham gia hội thảo.
Mình từng tham gia hội thảo của Hội Vật lý địa cầu Mỹ (AGU) vào năm 2015 tại San Francisco, Mỹ. Đó là một cái hội thảo to đùng với gần 30 nghìn người tham gia, được chia ra tới hàng trăm phiên thảo luận. Mình còn nhớ lúc mình đặt khách sạn trước cả mấy tháng, nhưng hầu hết toàn bộ khách sạn (giá rẻ) ở xung quanh khu tổ chức hội thảo đã hết sạch phòng (để thấy nó to như thế nào). Giáo của mình còn dặn trước là nên in poster trước ở trường đi, chứ đừng đi đến đó rồi mới đi in, vì sẽ phải xếp hàng dài rất mất thời gian. Khi mình tới AGU, với một người kém giao tiếp và hướng nội như mình, thực sự mình bị choáng ngợp. Ngoài việc đứng ở khu vực áp phích và đôi lúc chạy qua một số phiên thảo luận, thì mình không biết phải làm gì khác. Mình cảm giác đứng giữa gian phòng lớn nơi mọi người cười nói rôm rả với nhau giống như đang đứng giữa sảnh chính của ga tàu điện ngầm vậy, nơi ai cũng đi rất nhanh, đi tới đi lui, và hàng tá người đi qua đi lại, cứ như mình là một hình thể vô hình trong suốt mà mọi người cứ mặc kệ mà đi xuyên qua vậy. Với hội thảo năm đó, mình không tham gia gì khác ngoài cái phiên thảo luận được ấn định từ đầu cho bản thân. Với mình, đây là một hội thảo thất bại, tốn thời gian, công sức, và tất nhiên là tốn cả tiền của giáo sư.
Rút kinh nghiệm năm đó có thể là chọn hội thảo quá lớn, quá đông người, năm tiếp theo, mình chọn một hội thảo có quy mô sâu về chuyên ngành hơn, hẹp hơn và ít người tham gia hơn, của Hiệp hội vật lý Mỹ (American Physical Society). Hội thảo này cho mình cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với mọi người làm việc gần hơn với ngành hẹp của mình. Mặc dù đã cố gắng năng động hơn bằng cách tham gia khá nhiều các phiên thảo luận, tham gia cả trình bày trực tiếp (oral), lẫn cả áp phích (poster), nhưng mình chỉ dừng lại ở đó, như là một cái bóng ma đi qua cái hội thảo vậy. Ở các bữa tiệc nhẹ, mình thấy rất khó khăn để bắt và tiếp chuyện với mọi người. Với các giáo sư, thì hồi đó mình vẫn chỉ là một sinh viên nghiên cứu sinh, họ có thể lịch sự cười và nói với mình một vài câu, nhưng không chỉ mình không tự tin và thiếu kiến thức khi đứng trước họ, mà mình luôn cảm giác họ chỉ muốn nói chuyện với các giáo sư khác thay vì dành thời gian với mình. Còn với các bạn đồng môn, thì mình dừng lại ở các câu chào hỏi, giới thiệu bản thân, giới thiệu về nghiên cứu, và khó để khai thác được gì hơn thế. Vì thế sang ngày thứ hai, mình thường lấy đồ ăn và thu bản thân về một góc, đeo tai nghe lên và nghe bài nhạc gì đó, vừa ăn vừa đợi để hết các phiên giải lao, để vào nghe tiếp phiên thảo luận tiếp theo.
Hồi đó về, mình thấy rất phục các bạn nghiên cứu sinh khác khi họ rất năng động, một số bạn còn in cả thẻ card visit rồi đi bắt tay chào nói khắp cả gian phòng, đi đến đâu đưa card đến đó. Sau này, mình cố gắng đọc rất nhiều sách về cải thiện giao tiếp, thậm chí còn học một số khóa học về giao tiếp, nhưng tất cả đều chỉ bảo mình là hãy vượt qua bản thân đi, hãy thực hành các tips sau, hãy làm thế này thế kia trong cuộc sống, mà quên mất rằng, vấn đề chính của mình là mình không thấy hứng thú với các cuộc nói chuyện trên bề mặt như vậy, cũng như mình thấy năng lượng của mình không được kích thích khi ở giữa đám đông ồn ào như thế.
Vì vậy, mình thấy không sách nào giúp được mình cả, mình phải tự tìm cách để cải thiện cho bản thân thôi.
Sau những năm tiếp theo, mình tham gia rất nhiều các buổi seminar, workshop, hội thảo, nhiều lắm. Cứ chỗ nào có buổi thảo luận miễn phí trong trường là mình tìm cách tham gia. Đến nỗi thằng bạn cùng lab còn bảo là chắc thằng này tiết kiệm được nhiều tiền lắm, vì không cần nấu đồ ăn sáng/trưa nữa, suốt ngày tìm đồ ăn miễn phí ở các seminar. Và nhờ đó, mình cũng tìm được công thức cho chính bản thân mình. Bài viết này mình xin chia sẻ công thức của mình, có thể nó phù hợp với các bạn nghiên cứu sinh nào đó mà cũng chỉ vì tính cách hướng nội mà cứ luôn đặt câu hỏi “chỉ là cái sự kiện networking event, tại sao cứ phải tham gia làm chi?”.
- Mình tự xung phong làm ban tổ chức: Hội thảo gần đây nhất, mình email thẳng cho mấy giáo sư bên hội thảo bảo là mình muốn làm ban tổ chức, giúp việc gì cũng được, và tất nhiên với độ nhiệt tình đó, họ đồng ý. Nhờ vào trong ban tổ chức nên mình không phải tự mình đi tìm cơ hội để giao lưu, thay vào đó, mình có rất nhiều việc phải làm và mỗi việc như thế đều cho mình cơ hội để tiếp xúc với nhiều người, từ các bạn trẻ cùng trang lứa cho tới các giáo sư già. Việc có nhiệm vụ cụ thể như vậy giúp mình định hướng rõ hơn với cái phần tâm bên trong của bản thân mà từ đó cũng “bắt buộc” để giao tiếp với mọi người. Với các bạn còn đang là nghiên cứu sinh, các bạn có thể tìm cơ hội “student volunteer” để đăng ký, có thể là đứng ở bàn đón tiếp lễ tân, có thể là giúp cài đặt khán phòng, nhưng mình thấy rằng, trong lúc mọi người ăn uống nói chuyện, thì mình sẽ đang giúp một số giáo sư và đồng môn chuẩn bị bài nói của họ, cũng như giúp họ chuẩn bị cho bài trình bày, rồi nhờ đó, mình cũng có cơ hội để nói chuyện với họ luôn. Trong ảnh là mình điều hành nhóm bạn NCS hơn 20 người để kết hợp tổ chức hội thảo.
- Mình nhận lời làm chủ tọa (chair/co-chair): Chủ yếu thì với trình độ còn non của mình, thì khi làm chair chỉ là để quản lý thời gian, giới thiệu khách mời, giới thiệu diễn giả, và giúp buổi thảo luận diễn ra suôn sẻ. Mình thường sẽ chọn làm chủ tọa ở các buổi mình thích nhất và cũng nhờ đó mà mình không bị mất đi cơ hội được nghe và học, ngoài ra, vì là chủ tọa nên tên của mình cũng sẽ được nhớ đến nhiều hơn.
- Mình nhận lời tổ chức các sự kiện giao lưu cho các nhà nghiên cứu trẻ (Early career researchers night events): Trước kia mình không đi tới các buổi này vì mình biết là mình sẽ lại thu mình lại một góc mà không thể nói chuyện được với ai, vừa ngại đông người lạ, vừa ngại ồn ào, nên giờ thay vì là người tham gia, mình sẽ làm người tổ chức. Từ phía trong cánh gà, mình giúp điều hành sự kiện, và cũng nhờ đó mà mình học được không chỉ cách tổ chức sự kiện và kết bạn với rất nhiều người khác cùng trong nhóm tổ chức.
- Mình nhận lời làm convenor (người tổ chức chính) cho một chủ đề thảo luận. Mình nghĩ với cái này thì bạn thường cần phải tốt nghiệp xong tiến sĩ đã, nên có thể nó chưa phù hợp với các bạn nghiên cứu sinh.
- Mình tìm cách đặt câu hỏi ở các phiên thảo luận: Tất nhiên để làm được điều này, có thể bạn là người rất có kinh nghiệm, nghe cái là hiểu, như các giáo sư chẳng hạn. Mình tất nhiên còn trẻ và ít kinh nghiệm, nên mình chọn cách thứ hai, đó là bạn phải chuẩn bị trước. Trước khi đến các phiên thảo luận, tối hôm trước đó mình tìm cách đọc không chỉ các abstracts giới thiệu bài nói, mà còn đọc về tác giả, lướt qua các bài báo liên quan của họ, rồi tìm cách ghi chú và tự tưởng tượng cái bài trình bài của người kia, từ đó tự đặt ra hàng loạt câu hỏi trước. Lúc tới nghe thì mình chỉ cần cải thiện câu hỏi đã có sẵn cho phù hợp nữa thôi. Đặt câu hỏi và được trả lời là cách mình “warm up” sự tin tin của bản thân để có thể thảo luận được sâu hơn với mọi người. Tất nhiên để làm được điều này thì bạn cần phải dành nhiều công sức và thời gian chuẩn bị trước.
- Mình tìm cách để bài trình bày của mình hướng tới số đông nhất, nên nó sẽ đơn giản nhất (nhưng vẫn đưa ra được các ý chính), ngắn nhất để dành thời gian nhiều hơn cho phần câu hỏi của mọi người. Mình nghĩ mình đã rất kém trong việc tìm đến mọi người để nói chuyện ở các phiên giải lao, thì trong chính phiên trình bày của mình, mình sẽ tìm cách để đưa sự chú ý của nhiều người nhất tới bài nói của bản thân. Để làm được điều này, thường mình sẽ trình bày trước bài nói của mình cho giáo sư, trình bày trước ở nhóm, đưa bài đi một số seminar trước, rồi của mỗi lần như thế mình cải thiện nó một xíu, để cuối cùng khi đến với hội thảo, bài của mình sẽ là bài được chuẩn bị kỹ và chu đáo và tự tin nhất. Mình biết các bạn nghiên cứu sinh và kể cả các giáo thường có thói quen chuẩn bị bài trình bày một ngày trước khi đi hội thảo, một số bạn mình thấy đến khách sạn còn ngồi chuẩn bị bài, mình nghĩ với một người hướng nội, khi làm thế này sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái hồi hộp lo lắng hơn và sẽ bị luống cuống. Bài trình bày dù đơn giản nhưng không phải vì thế mà kém đặc sắc, bằng chứng là mình từng được “best presentation award” — giải thưởng cho bài thuyết trình xuất sắc nhất cho một hội thảo chuyên ngành cơ học chất lỏng hồi năm 2019.
- Mình tìm cách tham gia các cuộc thi, ví dụ một số hội thảo sẽ có cuộc thi về hình ảnh, video, cuộc thi về viết bài. Đôi lúc cái hình ảnh của kết quả thí nghiệm của mình không hẳn là đẹp, hay thú vị gì cả và có thể mình biết thi thì sẽ không nhận được gì, nhưng vì để giúp mình tự tin hơn với nhiều mặt khác sau này, thì mình vẫn gửi để tham gia thi. Bằng cách đó, mình xây dựng được lòng tin với nghiên cứu của mình, mình tự hào và muốn nó được dự thi. Mà đôi lúc cũng bất ngờ, vì vào năm 2018, mình được giải nhất cuộc thi video về cơ học chất lỏng, và nhờ đó mà bài của mình nhận được sự chú ý của tạp chí Water Resources Research.
- Cuối cùng, tìm cách để biến bài báo hội thảo thành bài báo của bạn sau này ở một tạp chí. Các hội thảo lớn thường sẽ có liên kết với một số tạp chí tốt để xuất bản báo, hoặc một số hội thảo như AGU chẳng hạn thì có hẳn cả hệ thống tạp chí rất tốt để bạn nộp luôn. Trước khi tham dự, hãy xác định là mình đi hội thảo không chỉ là để giao lưu, mà còn là để xuất bản báo. Như thế, bạn sẽ tìm cách trau chuốt bài báo hội thảo tốt nhất, và bài trình bài tốt nhất. Mình có một bài báo được mời sau khi mình tham gia hội thảo cơ học chất lỏng của úc (AFMC), và họ nói là bài báo của mình sẽ được các biên tập viên chú ý hơn (qua vòng gửi xe, vòng editorial), sẽ được vào special issue, và sẽ được chú ý hơn trong việc tìm phản biện. Mình nghĩ khi xác định được mục tiêu trước như vậy, bạn sẽ dễ đạt được nó hơn.
Ở trên là cách mình tự ép bản thân để có thể tận dụng tối đa lợi ích của một cái hội thảo, mà không buộc phải thay đổi bản thân từ một người ngại giao tiếp và hướng nội sao thành một con người hoàn toàn không phải là chính mình, mà có lẽ muốn cũng không dễ để thay đổi được. Có lẽ mỗi người rồi sẽ tìm được cách riêng để không chỉ tồn tại mà còn thrive khi đi hội thảo nữa, nhưng mình mong bài viết này có thể giúp các bạn nghiên cứu sinh hướng nội có lựa chọn tốt hơn trong những năm tháng nghiên cứu sinh của bản thân. Nếu ai có tips gì khác thì chia sẻ nhé.
Cheers,