June 17, 2021
TRẦN NỮ HUYỀN MY - Khi tôi viết bài này, My đang là NCS Tiến sĩ ngành Tâm lý học, Đại học Yale, Hoa Kì.
Tốt nghiệp cử nhân xuất sắc ngành Tâm lý học, Đại học Albion College, Hoa Kì (Học bổng toàn phần cho 4 năm học).
================================
Đó là một cái tiêu đề rất đặc biệt cho bài viết hôm nay về Huyền My, mà các bạn sẽ hiểu tại sao tôi đặt nó như vậy trong bài viết dưới đây. Nhưng đầu tiên, có lẽ tôi muốn hỏi nhỏ, khi nghe tới tên các trường đại học lớn nhất thế giới, như Yale, Harvard, phản ứng đầu tiên của các bạn là gì? Có lẽ cũng sẽ giống với tôi trong lần đầu tiên tiếp xúc với My, cái cô bé có khuôn mặt long lanh và thành tích học tập cũng lấp lánh không kém, tôi chỉ nghĩ, chắc là con nhà người ta trong truyền thuyết đây rồi.
Tôi quen My tình cờ qua một buổi workshop (thuyết trình) truyền cảm hứng dành cho các em học sinh và sinh viên. My hồi đó đang bắt đầu chương trình học tiến sĩ về Tâm lý học và khoa học thần kinh tại Yale. Em khá rụt rè và thận trọng khi mới tiếp xúc, nhưng rất dễ mến và dễ gần khi có thời gian nói chuyện với em nhiều hơn, đặc biệt là các chủ đề về tâm lý học. My rất yêu nghề, em có thể ngồi nói luyên thuyên cả buổi về các dạng hành vi, các bệnh về tâm lý, hay là các định hướng trong xã hội, cộng đồng. Có lẽ vì thế mà bài giảng về tâm lý học của My hôm đó về chứng trầm cảm và tự kỷ đã thu hút được con số kỷ lục với gần 300 lượt tham gia. Sau này tôi vẫn nói đùa rằng, có lẽ yếu tố để tạo nên một sự kiện thành công là nhân vật phải thật xinh và giỏi lung linh.
Mà đúng là em giỏi lung linh thật. Từ ngôi trường cấp 3 Chuyên Hà Tĩnh, My nhận học bổng toàn phần sang Mỹ, tốt nghiệp xuất sắc sau 4 năm, được giữ lại trường để làm trợ giảng và thí nghiệm với thầy giáo, để từ đó có bước nhảy bật và nhận tiếp học bổng toàn phần cho cả hơn 5 năm học tiến sĩ tại Yale. Mới nghe thôi sao ai không thấy phục. Nhưng có lẽ bài viết này của tôi không có mục tiêu là để khoe một nhân vật nào đó đang làm tiến sĩ từ một trường top thế giới, bởi nếu vậy thì có lẽ các bạn chỉ gần gõ nhanh trên thanh tìm kiếm của Google cũng có thể ra rất nhiều kết quả tương tự. Ở bài viết này, tôi muốn kể về My và quá trình đi tới thời điểm hiện tại của My từ góc nhìn của một người bạn, để chúng ta thấy rằng, có lẽ trong cuộc sống này, ai cũng có những cuộc chiến riêng của bản thân họ, và mỗi chúng ta đều vốn dĩ sinh ra đã là những chiến binh dũng cảm nhất, My cũng không ngoại lệ.
TUỔI THƠ
Tôi hay hỏi bạn bè mình về tuổi thơ. Tại hai cái chữ “tuổi thơ” nó luôn thân thương lắm. Và hơn 75% cuộc nói chuyện của tôi với My về tuổi thơ là về mẹ em ấy. My bảo rằng, em thích khoe mẹ em lắm, bởi nhờ có mẹ em mới có ngày hôm nay.
My bảo bố mẹ em có vấn đề khi em còn rất bé và rồi đổ vỡ. My còn nhớ hồi đó sau khi bố mẹ ly hôn là My còn học cấp 1. My chưa hiểu nhiều về mọi thứ, chỉ biết rằng giờ mình chỉ sống với một người. My và mẹ sống với nhau và toà quyết định trao lại căn nhà cho hai mẹ con My. Nhưng rồi sau đó bố bị tai nạn và giảm mất khả năng lao động. Mẹ My đã quyết định với hoàn cảnh của bố, mẹ sẽ nhường căn nhà lại cho bố. Hành động đó của mẹ khiến cho hai mẹ con cũng mất tất cả. My kể lại kỷ niệm những ngày còn bé, cả mẹ và con đã cùng trải chiếu ngủ ở giữa hai hàng máy tính ở ngay trên văn phòng của mẹ, hay những ngày tháng sống ở phòng trọ này qua phòng trọ khác. My còn nhỏ xíu, nhưng trong bộ não của cô bé sau những đêm nằm bên mẹ, đã nhận thức được rằng, nếu như trong cuộc đời ai cũng là chiến binh, thì mẹ mình sẽ là người phụ nữ kiên cường và dũng cảm nhất.
Rồi cứ thế My lớn lên trong sự nuôi nấng của mẹ. Hai mẹ con trở thành bạn bè của nhau, mẹ gọi My âu yếm là chị, My cũng chia sẻ với mẹ mọi thứ trong cuộc sống. Mẹ cứ thế bươn mình ra ngoài xã hội, rồi từ phòng trọ, mua được mảnh đất, rồi đến dựng cái móng, rồi đến căn nhà, cũng là căn nhà hiện tại. Có nhiều lúc My còn tự hỏi rằng, không hiểu sao mẹ có thể làm được như vậy. Một mình mẹ làm tất cả, và vẫn dành cho My điều kiện sống tốt nhất.
Bản thân tôi khi nghe câu chuyện cũng tự đặt câu hỏi tương tự. Người phụ nữ này có chăng là siêu nhân? Nhưng rồi nghe My kể thêm về mẹ, tôi hiểu tất cả. Mẹ của My dạy cho My về giới tính, về sắc tộc, về phân biệt chủng tộc. Mẹ dạy cho My về nữ quyền, về sự cân bằng giữa nữ công gia chánh và sự nghiệp, về bình đẳng giới. Mẹ dạy cho My về các xu hướng tình dục, về đạo đức, về cách sống, Mẹ cũng cho My biết thế nào là việc bảo vệ môi trường, về cách sống xanh, về biến đổi khí hậu. Mẹ cũng giải thích cho em về sự rộng lượng, tha thứ, về sự bao dung, về cách nhìn cuộc sống tươi đẹp và tích cực. Các bạn thấy không, tất cả mọi điều trên đến từ một người phụ nữ ở thế hệ sinh năm 60s 70s, từ một làng quê của một tỉnh nghèo Hà Tĩnh, từ cách đây hàng chục năm trước, chứ không phải là cách nghĩ của nhà hoạt động, nhà lãnh đạo nào đó ở một đất nước phát triển ở Mỹ Âu thời bấy giờ. Thế thì sẽ dễ hiểu tại sao mẹ của My có thể làm được mọi thứ như vậy, bởi cô ấy là một người hoàn toàn đi trước thời đại.
KIÊU HÃNH VÀ ĐỊNH KIẾN
Tôi nghĩ ngoài các mặt tốt như tính cần cù, chịu khó, đậm nghĩa tình người, v.v., thì Hà Tĩnh luôn “có tiếng” với mọi vùng miền khác trong nước về các định kiến, sự cổ hũ, về sự bảo thủ, gia trưởng, và cách suy nghĩ không thoáng của một bộ phân cục bộ địa phương. Tôi hay ví Hà Tĩnh so với các nơi khác ở Việt Nam cũng giống như Nhật Bản so với các nước khác trên thế giới vậy. Nên ở cái xã hội nhiều định kiến đó, tài chính đâu phải là khó khăn duy nhất mà hai mẹ con My gặp phải. Khi bạn lớn lên ở một vùng quê, và bạn là người phụ nữ đã từng ly hôn chồng trong cái xã hội đó, thi có lẽ cuộc sống sẽ còn tàn nhẫn hơn với bạn rất nhiều. Lớn lên, My luôn phải chịu sự đánh giá từ bạn bè và chính cả thầy cô giáo mình. Xã hội có sẵn cái định kiến đó rồi, My là con gái của mẹ, và là con gái mẹ thì sẽ bị đánh giá. My kể cho tôi nghe về những lần họp phụ huynh và rồi hai mẹ con lại về ôm nhau khóc. Về những cái nhìn khinh bỉ và bị bắt nạt từ một số nhóm bạn bè cùng trường, cùng lớp, sự chế giễu của các bạn, và cả những sự bênh vực rất vô lý từ thầy cô giáo. Tất cả chỉ vì họ biết được về hoàn cảnh của gia đình em ấy.
Nhưng định kiến sẽ luôn đi kèm với sự kiêu hãnh. Sự kiêu hãnh đó giúp My vì thế mà luôn cố gắng trong việc học và luôn đứng top đầu lớp, luôn đỗ giải cao trong các kì thi, dù là ở môn học gì. Thành tích của My trong học tập cũng luôn là sự động viên lớn cho mẹ em. Ngược lại, những bài học của mẹ về sự bao dung và cảm thông, về xã hội, giúp My hiểu hơn tại sao những người xung quanh đã đối xử với mình như vậy. Ở cái tuổi còn là học sinh cấp 2, cấp 3, My không chỉ hiểu mà còn thương cho họ.
Và chính vì tình thương đó mà My muốn thực sự hiểu hơn, tại sao có những định kiến đó trong xã hội, tại sao con người lại đánh giá nhận xét người khác, tại sao những bộ phận nhỏ như My hay mẹ My lại phải chịu đựng điều đó, và liệu My có thể làm gì đó tốt hơn không cho cả hai nhóm người đó không? Với sự giáo dục từ một người mẹ đi trước thời đại và những định kiến xã hội luôn đau đáu cần lời giải đáp trong tâm trí của cô bé học sinh hồi đó, ước mơ trở thành nhà tâm lý học nhen nhóm trong My từ đó.
ĐƯỢC HỌC BỔNG TOÀN PHẦN QUA MỸ VÀ TỪNG CÓ Ý ĐỊNH BỎ
Tâm lý học vẫn là một ngành mới ở Việt Nam, và cái nhánh Khoa học thần kinh thì có lẽ đến thời điểm hiện tại vẫn là một thứ gì đó xa lạ ngay cả với các trường, viện đại học lớn ở Việt Nam. Không cứ phải ước mơ là bạn sẽ thực hiện được nó ngay. My vì thế mà học xong cấp 3, cũng như các bạn cùng lứa, chọn trường đại học Ngoại Thương Hà Nội, một lựa chọn an toàn, làm bến đỗ. Ở Hà Nội, My cùng lúc đi học, và cùng lúc làm giáo viên dạy tiếng anh. My kể hồi đó em cũng có nộp đơn sang các trường bên Mỹ, nhưng rồi nộp xong em để đó, và cuộc sống nó lại cuốn đi. Em tập trung vô dạy thêm, kiếm tiền, rồi đi học trên trường. Cái ngày mà em mở email lên đọc được tin em được học bổng toàn phần, em phân vân lắm. Hồi đó mọi thứ đang suôn sẻ với em, mới sinh viên năm nhất mà có những tháng em dạy thêm được cả hơn 45 triệu. Em dự định mở thêm trung tâm tiếng anh. Rồi kiếm thật nhiều tiền, để mẹ và các em em (con của chồng sau này của mẹ) được sống sung túc, để mẹ em được ra Hà Nội với em mà tận hưởng cuộc sống. Thế là em nghĩ, mình phải đặt gia đình lên trước đã, em gác cái thư mời nhập học đó lại.
Nhưng rồi sau đó, cái thư từ trường nó gửi hẳn về nhà em. Mẹ em hỏi, em còn dối mẹ là thư thông báo gì đó thôi. Mẹ không tin, còn dùng Google dịch và biết được em được học bổng toàn phần. Thế là gọi điện ra bảo em nghỉ cả đi, đi về để chuẩn bị qua Mỹ học.
“Mà anh thấy đó, mẹ em lại đúng một lần nữa. Có lẽ nếu không phải mẹ cương quyết như vậy lúc đó, em giờ đây không biết có được biết tới cái ngành Khoa học thần kinh không nữa.”
CON ĐƯỜNG DẪN TỚI THÀNH YALE
Sang Mỹ, My nhập học trường đại học khai phóng Albion College, ở bang Michigan với học bổng toàn phần. Ở đó, My nhanh chóng theo đuổi định hướng học ngành tâm lý học của mình. Từ trải nghiệm của bản thân và sự giáo dục của mẹ, My hiểu rằng chỉ cần trong xã hội, mọi người quan tâm nhau hơn một xíu, thì cả xã hội sẽ phát triển theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Người yếu thế tàn tật sẽ được hỗ trợ, phụ nữ sẽ đỡ vất vả và được công bằng hơn. Vì thế My cố gắng để giành được học bổng FURSCA của trường, một dạng học bổng hỗ trợ các bạn sinh viên làm nghiên cứu. Nhờ đó, My có cơ hội được tiếp cận rất sớm với nghiên cứu khoa học. Trong quãng thời gian sinh viên này, My làm tới 4 cái nghiên cứu, như là so sánh giữa phản ứng của những người đến từ văn hoá cá nhân (individualism) hay văn hoá cộng đồng (collectivism) đối với các kích thích bên ngoài, hay các nghiên cứu về sức khoẻ tinh thần. Ngoài ra My cũng xin thực tập ở các trại trẻ dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. My cũng chưa bao giờ rời khỏi danh sách đứng đầu khoa và sau 4 năm tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân xuất sắc. Đam mê với nhưng người yếu thế trong xã hội và thành tích học tập tốt đưa My đến với phòng thí nghiệm hiện tại ở Yale.
ƯỚC MƠ ĐƯỢC HIỂU HƠN VỀ TÂM LÝ CỦA NHỮNG NHÓM NGƯỜI YẾU THẾ TRONG XÃ HỘI
My kể với tôi rằng lúc đi sâu vào nghiên cứu, sẽ thấy rằng sự bất công nó hiện diện ở trong bất kì ngành khoa học nào, kể cả tâm lý học cũng vậy. Các nghiên cứu trước giờ thường chỉ được thực hiện trên nhóm người WEIRD (West, Educated, Industrialized, Rich and Democratic). Nói đơn giản là các nhóm người da trắng và ở các nước có nền văn hoá dạng chủ nghĩa cá nhân. Việt Nam chẳng hạn sẽ rất khó để mang các thành tựu trong nghiên cứu tâm lý học đó sang áp dụng ở nước mình, tức là các nghiên cứu hiện tại ở mảng tâm ý xã hội cần được tối ưu hoá cho người Việt.
Và đây cũng chính là mục tiêu nghiên cứu lâu dài của My. My muốn tối ưu hoá được các liệu pháp điều trị tâm lý cho người dân nước mình. My bắt đầu với dự án của em trong ảnh hưởng của sự kì thị xã hội đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ có vấn đề về tâm lý. My bảo, hiện tại vấn đề này vẫn đang được hiểu nhầm, nhiều người việt còn nghĩ phải đi khám và chữa tâm lý thì chắc là bị “điên”, hay là các vấn đề thường ngày về tâm lý thường sẽ bị coi nhẹ, như cách giao tiếp của vợ chồng với nhau, của con trẻ có xu hướng tăng động, v.v. Những sự hiểu nhầm này cản trở việc chữa trị, giúp đỡ kịp thời cho người cần. Việc tiếp cận với nhóm người Việt ở Mỹ cũng là một viên gạch nhỏ trong cái móng lâu dài về mục tiêu đưa cách chưa trị này về với người dân Việt Nam của My.
Trong nghiên cứu này, My tập trung về chứng trầm cảm và phản ứng viêm, và vai trò của hệ miễn dịch thần kinh. Ví dụ như một số bệnh nhân mắc hội chứng trầm cảm thường quan sát thấy có sự thay đổi về hệ miễn dịch ngoại vi, biểu hiện là tế bào miễn dịch bị suy yếu, và mức độ hoạt động của chất cytokines tăng lên bất thường (Cytokine ảnh hưởng tới sự trao đổi chất của các chất dẫn truyền thần kinh, tới hệ nội tiết, tới một số hoạt động của não bộ. Và tất cả những điều này đều liên quan tới chứng trầm cảm: Thay đổi cấp tính mật độ cytokines có thể gây ra các hành vi và triệu chứng giống như trầm cảm, và các bệnh nhân sử dụng liệu pháp điều trị cytokines cũng có xu hướng phát triển chứng trầm cảm). Nghiên cứu của em từ đó sẽ tập trung vào các môi quan hệ của cơ chế viêm và chứng trầm cảm để hy vọng là kết quả nghiên cứu có thể đưa ra những loại thuốc điều trị trầm cảm mới.
Ngoài ra My còn có một số nghiên cứu khác như vai trò của cytokines đối với bệnh Alzheimer’s.
Tôi không thể viết được hết những nghiên cứu của My trong một đoạn văn ngắn. Nhưng tôi nhận ra rằng, từ đại học cho tới bây giờ, My rất quan tâm tới những người yếu thế trong xã hội, là người da màu, là phụ nữ, là người Việt nhập cư. Em cũng vì thế mà mong rằng các nghiên cứu khoa học không chỉ dành cho mỗi nhóm người WEIRD nữa, em mong tất cả mọi ngừoi đều có thể thừa hưởng chung thành tựu của nền khoa học lâu đời kia.
CARETAKERS NEED TO BE TAKEN CARE OF TOO.
Khi tôi hỏi My rằng em có lời khuyên gì với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ không. Em chỉ bảo, thế giới khắc nghiệt với nhiều vật cản thật, nhưng mình tập trung vào bản thân là được. Đầu tiên là yêu bản thân, đừng để những thứ bên ngoài định nghĩa giá trị của mình. Làm con gái chắc khó nhất là yêu bản thân, vì xã hội luôn dạy phụ nữ là phải hy sinh và yêu thương người khác trước. Nhưng để em khuyên, thì em nghĩ bản thân phải được nâng niu, có năng lượng tích cực, thì mới có thể lan toả năng lượng đấy tới mọi người. Yêu thương bản thân trước tiên, bằng cách tập thể dục, lâu lâu để bản thân thấy thoải mái, chứ đừng hà khắc với bản thân quá. Caretakers need to be taken care of too.
MẸ CỦA HUYỀN MY ƠI, HUMANS OF GYVSF XIN CẢM ƠN!
Có lẽ các bạn đã hiểu tại sao cái tiêu đề của bài viết lại là một lời cảm ơn của My tới mẹ mình rồi chứ. Còn riêng bản thân tôi, tôi nghĩ rằng My cũng cần cảm ơn cuộc đời em. Những biến cố trong quá khứ giúp em mạnh mẽ hơn, định hướng cho em để tới được với ước mơ hiện tại. Nếu không vì những định kiến kia, sao em biết được rằng mình yêu ngành Tâm lý học. My bảo mẹ em là một chiến binh dũng cảm nhất ư, em không nhận ra rằng, chính bản thân em cũng luôn mang trên mình bộ áo giáp kiêu hãnh nhất để đồng hành cùng mẹ, và thậm chí bây giờ em còn vươn ra biển lớn, cưỡi con ngựa và tấm khiên là kiến thức vững chắc trong tâm lý học để chinh phục cả những chiếc “cối xay gió” là cái xã hội tinh hoa hơn ở các trường đại học đứng đầu thế giới. Để rồi sau này, có thể dùng cái kiến thức đó về để giúp quê nhà, để hiểu hơn con người ở quê hương mình dưới con mắt của khoa học hiện đại. Con đường của em bây giờ mới thực sự bắt đầu, và em vẫn dè dặt khi nói về mình, em cũng vẫn chưa biết phản ứng sao khi ai đó khen em, nhưng bản thân tôi biết, em sẽ thành công.
My ngại ngùng khi tôi muốn viết về em. Em bảo rằng em sợ bài viết về tới vùng quê em, em lại sợ mẹ và các em của mình cũng phải lần nữa trải qua tuổi thơ như em từng có. Tôi bảo em, không đâu, em sai rồi. Em đâu có biết những điều em trải qua đã thực sự cũng giúp em trở thành con người của em và những thành tích mà em đang có. Có lẽ em của em cũng sẽ vậy thôi. Tụi nó hiện giờ cũng là những chàng/nàng chiến binh Đông Ki-sốt nhỏ, cái con quái thú mà tụi nó đang hay sẽ đối mặt kia rồi sẽ chỉ là một cái “cối xay gió” nhỏ mà thôi. Đọc bài viết này, cái đọng lại của mọi người chỉ là sự khâm phục và sự ngưỡng mộ. Không phải sự động viên, vì tôi biết My chả cần ai động viên em cả, mà chỉ là sự khâm phục. Tin tôi đi, bởi ngay ở dưới phần comment của bài viết này, My sẽ thấy.
Còn mấy đứa nhỏ em của My nè, anh Luis có lời nhắn riêng cho mấy đứa nhé. Nếu ai đó mà bắt nạt mấy đứa. Cứ kiêu hãnh như chị My đã từng. Bởi bây giờ, trong nhà mấy đứa không chỉ có mỗi mẹ là chiến binh đâu, còn có chị gái mấy đứa nữa. Ai đó đang từng ngày chiến đấu không chỉ cho bản thân, cho mấy đứa, cho mẹ, cho gia đình, mà còn cho cả cái xã hội, cho các nhóm người da màu, nhóm người đồng tính, những người bị yếu thế trong xã hội. Cứ kiểu hãnh mà bảo rằng, tao đố bọn mày có được chị gái như tao đó.
Chúc Huyền My thành công.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp với tôi. Xin cảm ơn.