Jan 27, 2021
PHẠM NGỌC SƯƠNG - Sương hiện tại (2024) đã tốt nghiệp thạc sĩ và định cư tại Pháp. Khi tôi viết bài này, Sương đang là:
Tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản trị quốc tế, Đại học Kangnam, Hàn Quốc (Học bổng toàn phần từ đại sứ quán Hàn Quốc).
Hiện đang theo học thạc sĩ ngành Quản trị quốc tế tại Paris, Pháp (Học bổng miễn học phí).
Thông thạo 6 ngôn ngữ: Anh, Hàn, Trung, Pháp, Nga và tiếng Việt.
Thông thạo nhiều loại nhạc cụ như violin, piano, sáo, v.v.
================================
Cách đây hơn 10 năm, khi còn là một cậu sinh viên tại Nga, tôi còn nhớ một bà giáo già có nói với tụi tôi rằng, ở Nga, đàn ông giàu và học thức thường tìm vợ bằng cách đi vào các nhà hát, sân khấu, nơi có các show diễn múa ballet và các bản hòa tấu cổ điển. Bởi quan điểm của người Nga khá đơn giản, những người con gái có khả năng tài chính để vào xem những show diễn đó, có đủ trí tuệ và cảm xúc để cảm nhận cái thứ âm nhạc và nghệ thuật cổ xưa đó, thì thường sẽ là những người đến từ giới tinh hoa trong xã hội.
Tôi ấn tượng với Sương bởi cái dáng người nhỏ thó của em ngồi bên cây đàn đại dương cầm to bự, tay em cầm một chiếc violin mà cảm giác cây đàn vĩ cầm đó cũng đã cao bằng nửa người em. Nhỏ nhưng có võ, Sương thông hiểu âm luật và có thể giao tiếp thông thạo tới 6 ngôn ngữ, nhưng Sương không hề tới từ một gia đình “tinh hoa” nào, ngược lại, em tới từ một gia đình làm nông ở một làng quê nghèo nhất ở vùng quê đã vốn nghèo khó — Hà Tĩnh.
Sương luôn tạo bất ngờ với bất cứ ai mới tiếp xúc với em. Như anh Nguyễn Quang Thạch (Sáng lập của dự án Sách Hóa Nông Thôn) hồi năm 2015 có thốt lên rằng, rất bất ngờ khi một cô bé học sinh cấp 3 đến từ một gia đình nghèo lại có thể có vốn liếng trong người hơn cả 100 đầu sách. Câu chuyện hôm nay, như thường lệ, sẽ không phải là một câu chuyện khoe thành tích, mặc dù Sương cũng không phải là “tay vừa” khi từ bé đến lớn em luôn đứng đầu trong mọi kì thi học sinh giỏi, rồi ẵm trong tay bao nhiêu giải thưởng như giải Tài năng Việt, Học sinh giỏi quốc gia, hay giải Odon Valet, khi hết cấp 3 vào đại học em cũng được các học bổng như VietSeeds cho các học sinh tài năng có hoàn cảnh khó khăn, và sau này nữa là học bổng toàn phần của Đại sứ quán Hàn Quốc để em theo học chương trình cử nhân tại Hàn Quốc, và gần đây là một học bổng hỗ trợ học phí giúp Sương có thể bay hơn nửa vòng thế giới sang Paris, Pháp để theo học thạc sĩ.
Phew, tôi bảo là mình sẽ không kể thành tích, mà đúng là những cái kể trên chưa nói hết được thành tích dài hơn cả trang giấy của Sương đâu. Tuy nhiên tôi hứa rằng từ đoạn này về sau câu chuyện, sẽ không kể về thành tích nữa nhé. Câu chuyện của chúng ta sẽ nói về chặng đường một cô gái còn rất trẻ, đã tự mình định nghĩa lại “sự giàu có” và quyết tâm giành được cái sự giàu có đó, để bây giờ em có thể ngồi ở đâu đó trong một góc của cái kinh đô ánh sáng hoa lệ kia, chơi các bản nhạc của Chopin, Mozart hay Bach, và tự thầm cảm ơn cuộc sống vì đã cho em ấy đi đến với em của hiện tại.
THE NEW RICH
Cái tiêu đề của bài viết hôm nay là Sự giàu có kiểu mới. Đây là một cái trend nổi lên gần đây trên các mạng truyền thông, xã hội, khi mà thay vì cái định nghĩa về sự giàu có là phải sở hữu nhà lầu xe hơi như xưa, thì giờ sự giàu có sẽ là về sức khỏe, hạnh phúc, sự bình yên, lòng biết ơn. Hoặc như một anh ca sĩ người Việt nổi tiếng nào đó gần đây có nói, giờ ai giàu nhất là người làm từ thiện nhiều nhất.
Có vẻ cái từ “giàu có” nó luôn được định nghĩa khác nhau với tất cả mọi người. Nhưng với cô bé Sương thì sao? Sương sinh ra là con út trong một gia đình làm nông có 5 chị em. Cái làng nơi Sương lớn lên được người dân địa phương vẫn hay gọi là “làng quỷ”. Một trong những khu vực nghèo nhất của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhà của sương nằm cạnh một dòng sông, nơi mà từ đó muốn đi được lên tới xa lộ 1A thì phải băng ngang qua cả một cánh đồng. Ở đó, mỗi cô cậu bé sinh ra đều được gắn với một số phận, tiếp tục làm nông, làm nghề chài cá, hay là đi xuất khẩu lao động.
Sương lại “không may” sinh ra khác với toàn bộ các cô cậu bé đó, và khác luôn cả với mấy chị gái của mình. Em từ bé đã rất thích học và luôn muốn mình giỏi mà biết hơn người khác. Tuy nhiên khi em bắt đầu vào cấp 1, em đã nhận ra được sự khác biệt, các bạn của mình được đi giày, em chỉ đi dép tông, các bạn có các bộ quần áo đẹp để khoác lên người, em không có những cái đó. Với một đứa bé khác, có lẽ đã tự ti mà muốn bỏ học hay chuyển lớp, Sương thì không, em tự nghĩ, nếu em có thể đủ giỏi để các bạn copy bài làm về nhà của em, nếu như trong lớp khi cô giáo hỏi bài, em là người đầu tiên giơ tay, hay nếu như lúc lên bục nhận giải thưởng học sinh giỏi, em có đi mỗi chiếc dép tông, em cũng muốn trong đôi dép đó, em leo được lên bục cao nhất, thì đó là cách em xây dựng cái power (quyền lực và sự thu hút) riêng của em. Em tự nghĩ kiến thức từ giờ sẽ là bộ quần áo đẹp nhất mà em muốn khoác lên người. Tôi ấn tượng bởi sự chia sẻ này, bởi Sương còn bé xíu thế thôi, nhưng đã tự định nghĩa lại sự giàu có cho riêng bản thân em. Điều mà đa số người lớn bây giờ còn khó có thể làm được.
Sương vì thế mà rất thích đọc sách. Sương sẽ “giàu” hơn nếu em ấy có những kiến thức từ sách. Không có điều kiện để đọc sách truyện, Sương tìm đến bộ sách quen thuộc nhất với lũ học sinh, sách giáo khoa. Em bảo rằng em đọc hết toàn bộ mọi thứ trong sách giáo khoa, không bỏ qua một chữ nào. Em nhớ tốt nên hồi bé cứ mỗi lần có bác hàng xóm sang nhà, các bác thường hay gọi em ra, và mở bất kì một trang sách từ một cuốn bất kì, và rồi đố em đoạn đó ở trang nào, chương nào, nội dung gì. Em có thể trả lời vanh vách tất cả mọi câu hỏi của các bác
Rồi sau này ai cho em cuốn nào thì em đọc cuốn đó. Em còn nhớ cuốn truyện Chú bé người gỗ Pinocchio. Em mượn được từ một anh trong xóm, và rồi vì thích quá nên giữ lấy luôn mà đọc chứ không chịu trả. Đến tận khi anh ấy đòi, em cũng cứ thất hứa mãi mà không trả. Em bảo hồi đó trẻ con là đã yêu sách đến vậy rồi.
Nhưng sách đúng là đâu có rẻ. Rất may cho Sương, em rất được mọi người yêu quý, đặc biệt là các thầy cô. Sương kể là ở trường cấp 2 Phan Huy Chú nơi Sương từng học, có thầy Hà, cô Phương Thanh, cô Yến, và nhiều thầy cô khác nữa, nhưng đặc biệt là cô Bình chủ nhiệm luôn muốn giúp đỡ em.
“Cô cực kì quan tâm em anh ạ. Em vào nhà cô chơi, cô cho em sách, cho em báo để đọc. Cô còn tạo điều kiện cho em được dạy tiếng anh cho các con cô. Cô cho em học thêm ở nhà cô mà không lấy tiền. Cô bày vẽ cho em và em luôn cảm động với mọi thứ đó”.
Âm nhạc đến với Sương khá tự nhiên. Hồi bé bố dạy cho em chơi sáo trúc là em đã ngấm cái tình yêu với âm nhạc vào người rồi. Nhưng muốn học gì liên quan tới âm nhạc thì hồi đó nhìn chung đã không phổ biến, nói gì tới một gia đình làm nông như em. Mãi tới hồi lớp 9 lên lớp 10, em mới có cái máy tính đầu tiên. Đó là cái máy tính cũ mà cô Bình cho em, thực ra đó là máy tính cũ của chồng cô, rồi khi chồng cô đổi máy, cô cho em cái đó. Tất nhiên là cái máy còn tốt lắm, em từ đó mà biết tới internet, biết tới Youtube. Cái video của một bạn chơi lại bài hát “Just give me a reason” bằng vĩ cầm như là tình yêu sét đánh của em với cây đàn này. Cái âm thanh mượt mà, dáng vẻ tinh tế, và đặc biệt hơn, các sự “tinh hoa, quý tộc” toát ra từ cây đàn này thu hút em. Em tự quyết tâm là mình muốn học violin.
Tôi khá ngạc nhiên khi em kể đến đây. Violin có lẽ ngay cả bây giờ mà nói, vẫn là thứ đồ chơi xa xỉ với mặt bằng chung người Việt. Đối với Sương thì đầu tiên có lẽ là tiền đâu. Sương bắt đầu kế hoạch dạy thêm để kiếm tiền mua đàn. Còn mới là học sinh nhưng em không chỉ được các cô giáo cho mình làm trợ giảng, em còn dạy thêm phụ trợ cá nhân môn tiếng Anh cho nhiều em nhỏ. Số tiền kiếm được, em mua cho mình cây đàn đầu tiên. Đó là hồi em từ Hà Tĩnh cùng đoàn đi thi Khoa học kỹ thuật ở Vĩnh Phúc và sau đó là thăm thú Thủ Đô. Xong thì em có xin thầy cô cho em được tách đoàn, và em chạy ra chỗ nhạc cụ Tiến Mạnh ở Hào Nam, cây đàn violin này là cây đàn đầu tiên Sương có.
Rồi có đàn thì em tự học. Em bảo cũng may mắn là hồi đó em giỏi tiếng Anh, nên em có thể tự lên xem các video hướng dẫn chơi đàn (chủ yếu vẫn là bằng tiếng anh) ở trên mạng. Tự học đàn và tự mày mò, Sương bắt đầu bước chân vào cái giới “tinh hoa”.
================
LỚP CHUYÊN ANH
Sương đỗ vào trường Chuyên Hà Tĩnh, lớp Chuyên Anh. Chuyên Anh vốn dĩ là “mốt” từ xưa đến nay của cái trường Chuyên ở vùng quê này. Vì là “mốt” cho nên chuyên Anh là nơi tụ tập của con cái các lãnh đạo và nhà giàu trong tỉnh. Từ xa xưa những năm đầu 2000 cho tới tận bây giờ, ở mỗi khóa Chuyên Anh, con của Hiệu trưởng, hiệu phó, giám đốc, phó giám đốc các sở, con của giám đốc công an, bộ đội, hay là con của phó chủ tịch, chủ tịch, v.v. đều từng kinh qua lớp này.
Và vì thế mà Sương sốc. Sương kể lúc thi vào thì môn tiếng Anh là Sương cũng thủ khoa, có chút nào xoa dịu em được một xíu ban đầu, nhưng rồi cái chiến lược học giỏi hơn con nhà người ta ngày xưa của Sương giờ khó thực hiện hơn nhiều rồi. Vì vào đây rồi, giờ không phải mỗi câu chuyện là các bạn rất giàu (so với Sương) nữa, mà các bạn cũng rất giỏi.
Nhưng may mắn cho em, đó là thầy chủ nhiệm rất hiểu em. Thầy Khuyến chủ nhiệm luôn hỗ trợ, và thầy bao giờ cũng cắt giảm quỹ lớp cho em, thầy giúp em về kinh tế rất nhiều. Thầy kêu gọi các bạn trong lớp giúp đỡ. Các bạn trong lớp em dễ thương lắm, các bạn cũng giúp em đủ thứ. Và em cũng may mắn vì phụ huynh của các bạn đều không quan tâm lắm đến một con bé nào đó trong lớp được giảm tiền quỹ (cười).
“Em còn được cô Hương dạy hóa giúp nữa. Cô thân với em, cô cũng thoáng và cởi mở. Cô biết em ở rất xa, nên có lúc cô còn kêu em luôn vào nhà cô ở”.
Học giỏi để có thể đứng ngang với bạn bè. Học giỏi để được học bổng, để có kiến thức mà dạy thêm, từ đó có tiền mà mua sách mua đàn, có vẻ cô gái này đã tạo đủ ấn tượng với tôi. Nhưng có lẽ câu nói này của Sương khiến tôi nhớ mãi nhất:
“Anh hỏi em làm sao em cân bằng được thời gian để làm nhiều thứ thế. Em tự biết là nhà em nghèo đó anh. Vì nghèo nên em biết nếu em phải trả tiền để được đi học một tiết 45 phút, em sẽ học bằng được cho hết sạch số tiền đó. Trong 45 phút đó em sẽ không bỏ lỡ bất cứ một phút nào để học.”
“Bố mẹ em cũng ủng hộ em, nhưng không phải lúc nào cũng vậy đâu. Có lúc mẹ đi chợ về, thấy em cứ ngồi trong nhà đọc sách học mãi, mẹ sẽ mắng một trận. Mẹ la em tại sao mày không ra ngoài làm việc giúp bố mẹ, con gái phải làm việc nhà, việc đồng áng, phải biết nấu ăn, chăm lợn gà. Nhưng em cứ kệ, tại em có cái thời khóa biểu của em rồi, và em cực kì kỹ tính với thời khóa biểu của mình. Tại nếu em bỏ lỡ một mục trong đó, em sẽ lỡ rất nhiều kế hoạch khác.”
Có lẽ nhờ đó mà Sương đạt được nhiều thành tích đến vậy trong quãng thời gian cấp 3 của em?
Vào đây rồi thì em cũng có phần ganh tị với các bạn. Các bạn chỉ cần nói ra thôi, là sẽ được bố mẹ mua cho những cuốn sách mới tinh có cái bìa trang trí cực đẹp. Nhưng em nghĩ rằng nếu em cứ ganh tị và tự ti, em sẽ lại càng đẩy khoảng cách của mình xa hơn với các bạn. Em tìm các cách khác để được đọc nhiều hơn. Vào trường Chuyên tức là em được vào thành phố, em được biết tới các nhà sách. Vì thế em luôn tranh thủ để chui vào các nhà sách mà đọc, đọc đến bao giờ bạn nhân viên lại nhắc khéo thì em mới chạy đi (cười).
Anh không biết chứ em thấy học trường Chuyên sướng nhất là em được nhiều tiền lắm (cười). Trường chuyên họ có học bổng, nhất là nếu anh đi học đội tuyển quốc gia là mỗi tháng rất nhiều tiền học bổng. Rồi vào trong thành phố thì cái cơ hội đi dạy thêm lại nhiều hơn, học phí cũng cao hơn, giúp em kiếm được tiền nhiều hơn. Hết cấp 3 là Sương góp được đủ tiền để mua cây đàn thứ 2 của mình với đắt gấp 3 lần cây đàn cũ, Đây cũng chính là cây đàn theo Sương cho tới 7 năm liền sau đó.
“Tuy nhiên em cũng có một số điều hối tiếc đó chứ. Cái tiếc nhất là em vẫn chưa thể hòa đồng hơn với các bạn cùng lớp được. Không phải em không muốn mà là điều kiện của em không thể. Em cực tiếc vì các bạn trong lớp em đều tốt và dễ thương. Bây giờ nghĩ lại em chỉ mong được thân thiết với các bạn hơn.”
HỌC VIỆN NGOẠI GIAO VÀ VIETSEEDS
Hồi đó là cuối năm 12, các anh chị trong quỹ Vietseeds đến trường phỏng vấn. Sương hồi đó vì có giải quốc gia nên được tuyển thẳng, và em rất muốn được chọn vào trường Ngoại giao. Vì em bảo là em “sính ngoại” từ bé, thích mọi thứ liên quan tới ngoại quốc, và cũng muốn học và làm việc trong một môi trường “ngoại” như vậy. Tuy nhiên ra Hà Nội, vào Ngoại Giao bây giờ thì tài chính lại là cái Sương cần tính toán tới.
Lúc Vietseeds phỏng vấn, em có nhớ là các anh chị ấy hỏi em có sở thích gì, em bảo là em thích đàn và hát, các anh chị đùa em hát đi. Thế là giữa lúc phỏng vấn vậy mà em hát luôn ngon lành. Vì thế mà họ ấn tượng về em. Nhận được học bổng Vietseeds cũng giúp em nhiều lắm, trong trường Ngoại Giao, quỹ không chỉ giúp em có tiền ăn ở và học đại học, quỹ còn giúp em cơ hội để được học thêm bằng chương trình mentoring, hay các buổi giao lưu để giúp em networking.
HÀN QUỐC VÀ MỘT LOẠI “TIỀN TỆ” MỚI ĐỂ BẢN TH N GIÀU HƠN: NGOẠI NGỮ
Ở trong trường Ngoại Giao, Sương tích cực tìm học bổng du học. Bộ lọc của em hồi đó cũng đơn giản, chỉ cần nơi nào cho em đủ tiền từ A tới Z, từ tiền vé máy bay, tiền bảo hiểm, học phí, ăn ở, toàn bộ mọi thứ đó, thì em sẽ đi học. Và may mắn cho em là em tìm thấy được một học bổng như vậy từ Đại sứ quán Hàn Quốc.
Việc chuyển từ trường làng vào trường Chuyên ở thành phố cho Sương sốc tập 1, thì xã hội ở Hàn Quốc cho Sương sốc tập 2. Ở Hàn, xã hội rất giàu và phân chia tầng lớp, và con người ta rất phân biệt giữa các tầng lớp với nhau. Hay rồi có việc giỏi hay chơi đàn tốt không còn quá đặc biệt nữa. Học sinh Hàn Quốc được học piano, violin phổ cập từ trong chương trình tiểu học.
Sương tìm tới cho mình một kỹ năng khác để giúp cô bé lại “giàu” hơn và đặc biệt hơn.
Ngày đầu tiên đặt vali xuống ký túc xá, em chạy đi họp luôn cái câu lạc bộ sinh viên quốc tế. Ở buổi đó, em có nghe các bạn hỏi là có ai muốn vào hội đồng của hội sinh viên quốc tế ở trường không. Em giơ tay luôn. Mặc dù em chưa biết nó là về cái gì. Lúc đó em còn lạ lẫm đến nỗi họp xong thì em lạc luôn đường về ký túc của mình, và phải lò dò hỏi mãi mới mò được về tới phòng.
Nhưng nhờ vào câu lạc bộ này, em bắt đầu tình yêu của mình với ngôn ngữ. Đầu tiên là tiếng Hàn, vì ngoài việc sống và học ở Hàn Quốc, em phải học nhanh hơn các bạn cùng khóa một xíu để có thể tham gia câu lạc bộ. Rồi sau đó là tiếng Trung, vì em thấy là các công việc (được trả tiền) của clb đều cần tiếng Trung, nên em học. Học dần, học miết thì giỏi và sau này người ta có việc gì cần tới tiếng Trung thì lại gọi em.
Cũng nhờ ngoại ngữ mà em bắt đầu dùng nó để trao đổi lại các kỹ năng khác. Em dạy cho người ta tiếng Anh, họ sẽ dạy em đàn. Đó là cơ duyên của em với piano. Một cô giáo piano rất giỏi đã nhận lời dạy em là vì thế. Cô cũng sửa cho em lại trong kỹ năng chơi violin, từ cách cầm đàn cho tới cách bấm dây đàn. Việc trao đổi các kỹ năng để có được thêm cái mình muốn (không chỉ là tiền) trở thành một phần của cuộc sống của em sau này.
Học xong rồi nhờ tiếng Pháp và thành tích, Sương được chính trường Đại học ở Hàn Quốc cho Sương học bổng để đi học thạc sĩ ở Pháp. Đây là lẽ là một trường hợp đặc biệt nhất từ xưa tới nay của trường, khi mà vẫn cấp học bổng sau khi đã tốt nghiệp rồi cho sinh viên của mình.
Giờ đây tại Paris , Sương có một căn nhà nhỏ, một cây đàn piano và violin ở góc phòng, một cái giá sách to to, và một chiếc máy tính luôn mở để Sương tiếp tục với việc dạy ngoại ngữ xuyên quốc gia của mình.
Sương theo học thạc sĩ ngành Quản trị quốc tế. Em bảo sau khi tốt nghiệp, em muốn có một công việc giúp em làm việc với thật nhiều nước, để từ đó em có thể học thêm được nhiều câu chuyện, nền văn hóa, âm nhạc hơn nữa.
================================
Sương còn rất trẻ, và tất nhiên câu chuyện của em chưa kết thúc tại đây. Bản thân tôi thấy rằng cô bé nào đó đã đi ngược lại với số phận, tự mình định nghĩa lại “sự giàu có” từ bé và quyết tâm theo đuổi nó cho tới bây giờ là rất đáng khâm phục. Trong cái chặng đường đấy, các bạn có để ý tên của các thầy cô đã giúp đỡ em. Cô Bình, Thầy Khuyến, các anh chị trong VietSeeds, và thậm chí sau này cả trường đại học Kangnam cũng giúp và trao em học bổng dù đã tốt nghiệp. Có lẽ chăng đây mới chính là sự giàu có thực sự của Sương? Khi tất cả mọi người xung quanh đều muốn giúp đỡ mình. Khi tôi hỏi em, em chỉ bảo với tôi rằng “Mình muốn tìm được sự giúp đỡ, có lẽ mình phải tự giúp mình trước. May mắn chỉ đến với người đi tìm sự may mắn đó. Có lẽ vì em luôn tìm kiếm những điều đó mà em luôn lạc quan rằng cuộc đời của em sẽ luôn gặp người tốt, gặp điều may mắn.”
Còn tôi, tôi chỉ muốn cảm ơn. Cảm ơn Cô Bình, thầy Hà, cô Phương Thanh, cô Yến (cấp 2), và các thầy Khuyến, cô Hương, cô Thủy toán (cấp 3), cùng nhiều thầy cô, bạn bè Sương. Đặc biệt cảm ơn tới bố mẹ Sương, dù chỉ làm nghề nông thôi nhưng đã cố gắng và hy sinh hết sức để cả 5 người con của mình được học hành nên người.
Tôi hỏi Sương, giả sử có một phép màu giúp em được thay đổi số phận và sinh ra trong một gia đình thật giàu, để em tha hồ mà mua sách, chơi đàn. Em có chọn thế không. Sương chỉ bảo tôi rằng, nếu con người ta cứ luôn đặt câu hỏi “nếu”, và cứ muốn thay đổi quá khứ của mình, thì người đó sẽ không bao giờ phát triển hơn được. Với em mà nói, khi nghe câu hỏi của anh, em chỉ nghĩ là, khi em giàu (về vật chất) vậy, làm sao em có được cái góc nhìn, có được cái sự hiểu biết về cuộc đời như em đã có đâu. Làm sao em đọc truyện rồi đồng cảm được với một nhân vật nghèo trong đó được đâu. Nên số phận là món quà may mắn mà mình được trao tặng, mình hãy sử dụng nó như thế nào để nó là một số phận “giàu có” thôi.
Cảm ơn Sương đã kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị.
================================
Bài viết được dựa trên câu chuyện chúng tôi phỏng vấn với nhân vật, hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật. Mọi sự chia sẻ, copy, hoặc hợp tác, bản quyền, xin hãy nhắn tin liên hệ trực tiếp với tôi. Xin cảm ơn