Malcolm Gladwell viết cuốn sách này để bàn về sự thành công, mình đã viết review về nó (bằng tiếng anh) ở post trước, hôm nay mình muốn bàn thêm về một vấn đề trong cuốn sách mà mình nghĩ rất thú vị.
Trong cuốn sách đó, tác giả có nói về quy tắc 10 nghìn giờ, tức là để trở thành chuyên gia và thành công trong bất kì lĩnh vực nào, một người nhất thiết phải bỏ ra 10k giờ (gần 10 năm) để luyện công phu đó. Tác giả đã lấy ví dụ của rất nhiều người thành công trên thế giới trong các lĩnh vực kinh doanh, khoa học, âm nhạc, để làm dẫn chứng cho lập luận của mình.
Nhưng cũng không phải ai cũng có được 10 nghìn giờ để luyện tập, phải có thiên thời, địa lợi, nhân hoà nữa. Có rất nhiều điều tác giả nói đến như môi trường, gia đình, bản chất con người, vân vân. Hôm nay, mình muốn nói về một cái mà cuốn sách cũng đã nhắc tới, đó là về độ tuổi.
Ở trong sách, tác giả dẫn chứng rằng, sinh ra vào năm nào, thời nào rất quan trọng. Ví dụ, để thành công trong lĩnh vực khoa học máy tính, thì cần phải sinh ra ở Mỹ vào tầm năm 1955. Vì những người sinh ra vào tầm này, khi họ học xong cấp 3, cũng là lúc thế giới có hệ thống máy tính cá nhân có thể giải quyết hằng trăm nghìn phép toán một lúc để họ luyện tập. Sinh sớm hơn một tý, thì phải làm việc trên hệ thống máy tính công cộng cồng kềnh (to bằng cả căn phòng), giải quyết một phép toán một lần, nên phải xếp hàng để được thực hành và không biết đến bao giờ mới gom đủ 10k giờ luyện tập nữa. Sau này khi có thế hệ máy tính mới thì già mất rồi nên không có động lực với những cái mới nữa. Còn sinh sau hơn một tý thì quá trẻ, vào tầm năm 75 khi hệ thống máy tính mới ra đời thì vẫn đang ở trong trường phổ thông. Vì thế cho nên Bill Gates sinh năm 1955, Bill Joy (cha để của UNIX) 1954, Paul Allen (đồng sáng lập Microsoft )1953, Eric Schmidt (Google CEO) 1955, Scott McNealy (Sun Microsystems founder) 1954, Steve Jobs 1955.
Tương tự, các tỷ phú trong ngành dầu mỏ, khai khoáng đều sinh vào tầm 1830s. Hay ngành luật vào tầm năm 1930s.
Chuyển về Việt Nam, mình đang quan tâm đến hai lứa tuổi, lứa tuổi 1976 và tuổi 1991. Cũng không phải vì lý do rằng 1976 là năm Thìn nên con trai sẽ thành công và làm to nhiều hơn, nhưng có một lý do gì đó mà rất nhiều người mình biết đang thành công (làm bí thư, chủ tịch, làm CEOs, làm nhà khoa học lớn) đều sinh vào tầm năm 1976 này, ví dụ chủ tịch Hà Tĩnh trước, và tân chủ tịch Nghệ An mới bầu đều sinh vào năm 1976, chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành cũng 1976, chủ tịch FLC 1975, CEO Bkav 1975, chủ tịch tỉnh Phú Yên 1974 v. v. Nếu ai biết có ai đó khác thành công ở Việt Nam mà sinh vào năm này thì có thể comment ở dưới nhé.
Còn về năm 1991, đó là cái năm có rất nhiều biến đổi. Thế giới biến đổi khi nước Nga tách ra và nhà nước liên bang Xô Viết sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nước Đức hoàn toàn thống nhất, vân vân, dẫn tới có rất nhiều thay đổi ở Việt Nam. Ví dụ như sự kiện Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, hay Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ, v.v.
Các bạn sinh năm 91 vẫn hay đùa rằng mình là con chuột thí nghiệm, và luôn gắn liền với hai chữ cải cách. Từ khi học cấp 1, 2, 3, đều là những năm chạy theo các bộ sách giáo khoa mới, chương trình mới. Thế hệ 91 cũng là thế hệ đầu tiên thử nghiệm trình học tín chỉ ở đại học. Lứa 1990 vẫn học theo lớp, ko có tín chỉ như cách giáo dục của Nga, nhưng đến lứa 1991 thì các trường đại học bắt đầu với cách đăng ký tín chỉ kiểu Mỹ. Thế hệ 1991 cũng là thế hệ mở cửa và hội nhập (vì những lý do lịch sử nói trên), nên là thế hệ mà có thể hút thuốc lào nghe nhạc Trịnh, nhưng vẫn nổ lửa với Kpop, là thế hệ mà có thể đắm mình trong các tập truyện cổ điển của Cuốn theo chiều gió, hay Nguyễn Nhật Ánh, lắc lư theo âm nhạc của The Beatles, nhưng vẫn có thể đọc Eat Pray Love, thần tượng Edward Cullen trong Chạng Vạng và mê bạn Dakota Johnson trong 50 shades of grey. Nói chung đây là một thế hệ chuyển thoa giữa 8x và 9x. Gần đây, 1991 cũng là thế hệ khi tốt nghiệp đại học và sau khi đủ độ chín để đi làm một vài năm, vẫn còn rất trẻ để cũng là lúc thế giới chuyển mình với trí tuệ nhân tạo, và phong trào khởi nghiệp đồng khởi lên ở khắp mọi ngõ miền tổ quốc.
Vậy theo quy tắc trong cuốn Outliers, thì từ nhỏ khi lớn lên cho tới bây giờ, thế hệ 1991 (90 và 92) luôn biến động và luôn đối mặt với thử thách, và luôn có cơ hội để tập luyện cái con số 10 nghìn giờ đó. Như thế, có thể nói rằng rằng, cái thệ hệ này sẽ có nhiều nhân tố để có thể thành công sau này (dựa theo cuốn sách trên). Mình sẽ tiếp tục quan sát và hy vọng rằng 10 năm sau sẽ thấy những khuôn mặt thành công đó. Còn hiện tại, khi quan sát thế hệ đầu 9x, thì mình thấy rằng, ngoài sự rắc rối trong tính cách, sự mẫu thuẫn giữa cái mới và các quan niệm cũ, thì có vẻ các bạn ấy rất tốt trong việc giải quyết các xung đột trong cuộc sống, và chịu đựng thất bại và đứng dậy làm lại rất tốt. Có lẽ cũng một phần do vì sinh ra đúng vào những năm tháng đặc biệt như vậy.
Ngày mai mình sẽ viết về 2 cuốn Blink và The tipping points (bằng tiếng anh) như đã hứa. Peace out!