Lâu lắm rồi mình không viết gì cả, đôi lúc vì mọi thứ cứ cuốn đi nhanh quá, như thanh cuộn trên bức tường của FB vậy, cái này chưa kịp ngấm đủ, thì công việc khác đã tới, rồi vòng vèo cái ngoảnh lại thì thấy đã mấy tháng lướt qua. Nên có lẽ tối thứ 6 này, mình lại ngồi viết. Câu chuyện lần này lại tiếp tục chuỗi các bài viết PhD stories mà mình đã viết được 7 bài trước đây rồi, và mỗi bài viết là một câu chuyện chia sẻ thật về quá trình đi kiếm con chữ của chính mình. Chia sẻ thôi, như một dạng tản văn vậy, viết để cho thỏa cái cơn thèm được viết.
Lần này mình lại tiếp tục kể về mấy năm học tiến sĩ, chủ yếu để thảo luận xem thế nào là một người thành công khi học xong mấy năm đó. Tại giờ nhiều người đi học lắm, và nó cũng “dễ dàng” hơn rất nhiều so với ngày trước, có người còn ví việc học PhD giống như thi được cái bằng lái xe tải vậy, so với người lái xe hơi, thì chỉ là học nhiều giờ hơn, nhiều giờ ngồi sau tay lái hơn thôi. Nên mình nghĩ là mình sẽ kể xem giữa hàng chục nghìn PhD tốt nghiệp mỗi năm, thì mình là ai trong đó, và có lẽ bài viết cũng phần nào giúp các bạn trẻ hơn đang chập chững bước vào con đường này xác định được mục tiêu rõ ràng hơn.
Mình đi vào con đường này khá trắc trở, vì đã đi vòng từ nước này sang nước nọ, và cũng có một vài năm khoảng trống ở giữa bị bơ vơ khi không xác định rõ được định hướng bản thân. Nhưng có lẽ nhờ vì cái trắc trở trong đường đi đó, mà mình khác với các bạn trẻ đi học thẳng từ đại học lên luôn PhD, đó là mình hiểu rất rõ được giới hạn của bản thân, biết được mình ở đâu, và cần làm gì. Một số điều mình đạt được trong PhD:
Mình đi học với học bổng toàn phần của trường (tất nhiên thì hầu hết mọi người đều như thế), nhưng ở Úc thì các học bổng này chỉ cho đủ tiền học và sinh hoạt phí, và thêm một ít chi phí để phát triển bản thân (learning and development), như là để cho mua sắm một ít “đồ dùng học tập” hay cho các khóa học ngắn hạn. Tuy nhiên phần phí phụ thêm đó đôi lúc sẽ không đủ để mình thoải mái đi hội thảo quốc tế, tham gia làm membership các hội nhóm, v.v. Mình hiểu về phần này, nên từ trước khi học mình đã mục tiêu là phải tối đa hóa cơ hội để “thêm thu nhập” cho các mục đích này. Vì lý do đó mà mình luôn cố gắng để nộp cho các travel awards, hay các top-up scholarships, và kết quả là trong 4 năm học thì mình đi hội thảo 5 lần (2 cái trong nước Úc, và 3 cái quốc tế thì đều ở Mỹ), trong đó có một lần thì mình được mời làm speaker cho một hội thảo cũng rất lớn, và một lần còn được giải Best Presentation Award, và tất cả các lần đó mình đều được travel awards, từ chính hội thảo, hay là từ trường, cụ thể thì 3 lần mình được mỗi lần $3,500, một lần $1,350 và một lần là $650 (lần này là trong covid, nên chỉ đóng phí đăng ký thôi). Mình được 2 lần top-up, một lần là $10,000 ở cuối năm 2 từ một công ty phát triển phần mềm CFD, một lần vào năm cuối là $7,000 từ trường, và mình cũng được bác Hiệu Trưởng (VC) tặng thưởng $2,000 lúc mình nộp xong thesis nữa. Bản thân mình nghĩ, về mục tiêu này trong việc học PhD, mình đã khá thành công.
Mình nghĩ đây là một mục tiêu mà các bạn nên hướng tới, vì việc trình bày kết quả nghiên cứu ở các hội thảo là cơ hội rất lớn để người khác không chỉ biết tới, mà còn đánh giá, góp ý cho dự án của mình. Đi các hội thảo còn giúp các bạn gặp gỡ được các đồng nghiệp, những người cũng làm cùng ngành, mà từ đó cũng mở rộng mạng lưới của bản thân. Mình nghĩ rằng cho dù các bạn được giáo sư hỗ trợ chi phí để tham gia các hội thảo, thì cũng nên luôn nộp đơn để xin travel award. Đôi lúc ngoài việc xây dựng hồ sơ, viết bài luận để nộp, v.v. thì cũng có thể thử các cách khác nhau, ví dụ như cái hội thảo cuối cùng, vì mình tình nguyện tham gia vào trong việc đánh giá review các bài abstracts, và sau đó cũng tình nguyện tổ chức một số chương trình cho các bạn PhD trong hội thảo đó, cũng như tham gia làm trong cả ban lễ tân, vì thế mà khi mình viết đơn ngỏ ý xin, thì mình được miễn phí đăng ký.
Học PhD thì tất nhiên sẽ không thể thiếu phần các bài công bố khoa học (paper). Nhiều người sẽ lấy đây là tiêu chí chính cho một PhD thành công. Bản thân mình thì biết được rõ là mình không có khả năng để trong PhD mà công bố trên các tạp chí như Nature, Science, nhưng không hẳn là chỉ mỗi vậy, mà mình còn biết được là mình không có khả năng để viết các bài báo mà tràn ngập các công thức về toán, và bàn luận về những điều siêu mới, căn nguyên mà chưa ai làm bao giờ trên đời cả. Hiểu rõ cái này hạn chế này (và cũng phải trầy trật khá nhiều lần vấp ngã thì mình mới hiểu được điều này của bản thân) giúp mình chọn được những tạp chí vừa tầm, cũng là top 3, top 5 trong ngành, nhưng không phải là top 1, và có xu hướng nghiêng về phần ứng dụng nhiều hơn. Mình cũng chọn các tạp chí mà thời gian review cũng chỉ trong vòng một năm trở lại thôi. Mình cũng không chạy theo số lượng, vì mình biết rõ ngành của mình là ngành nghiên cứu lý thuyết cổ điển, khả năng được hàng chục bài báo là chắc chắn không thể. Chính vì thế mà sau khi tốt nghiệp thì mình có được 5 bài báo, tất cả đều là Q1, và đều là tạp chí tốt (top 3, top 5 của ngành). Nhưng có lẽ vì nhờ việc không quá tham thố để nộp vào các tạp chí siêu sao, mà mình được các tạp chí kia “thương” hơn hay sao ấy. Mình được một bài là Editor Choice, một bài là Featured Article, một bài là Best Paper of The Year, và gần đây nhất, bài báo mà sau khi tốt nghiệp xong mãi rồi mình mới xuất bản được, thì cũng được giải thưởng khá danh giá của Hiệp hội Kỹ sư và Kiến trúc sư dân dụng Hoa Kỳ (The American Society of Civil Engineers ASCE), họ chọn một bài từ hàng trăm bài được đề cử, trong 42 cái tạp chí của họ, để trao cho mình. Nên có lẽ phần báo chí mình cũng nghĩ là mình đủ thành công. Tất nhiên, nếu ai hỏi là mình có muốn được đăng trong các tạp chí siêu sao kia không, thì có chứ, ai mà chả muốn. Nhưng có lẽ việc lựa chọn tạp chí nào để đăng nó quan trọng đến vậy đó, làm người đứng đầu trong một nhóm học sinh khá có lẽ sẽ dễ chịu hơn là làm người đứng cuối ở trong một nhóm rất giỏi.
Một số ngành khác thì đôi lúc chỉ cần một bài báo thôi (ví dụ cách ngành kinh tế lượng, một số ngành xã hội, hay nghiên cứu định tính, hay các bạn làm sâu về toán, v.v.), thì số lượng bài, hay trên tạp chí gì, tất cả đều không có ý nghĩa gì cả. Với các bạn ngày, thành công có lẽ là chỉ cần có bài viết mà được đồng nghiệp đón nhận, và bản thân người đó tự thấy hài lòng về công trình của mình là được rồi.
Nhưng không phải vì mình biết cách chọn tạp chí chuẩn phù hợp mà sẽ dễ dàng hơn đâu. Vẫn cả hàng loạt vòng review, và từng đã bị từ chối (vào 2h sáng, nhận được thư mà mất ngủ cả đêm, nên mình vẫn nhớ rất rõ cảm giác hôm đó), và rất nhiều lần phải chạy lại thí nghiệm, hay viết lại cả một section, hay đơn giản là phải trả lời mấy câu hỏi rất vớ vẩn của các reviewers có lẽ không hoàn toàn hiểu bài của mình, v.v. Nói chung là cũng trải qua hết những điều đó, nhưng nhờ đó mà cũng cứng cáp hơn rất nhiều.
Sau này đi làm rồi, khi mà công việc bận, dự án này chưa qua, dự án khác đã cần giải quyết, thì mình thấy rằng chuyện đăng báo nó lại là phạm trù khác. Vẫn muốn đăng, nhưng lại muốn nó nhanh nhanh công bố, để còn có thời gian mà làm việc khác. Nên bây giờ, mình hiện tại lại đang không lựa chọn các tạp chí mà ngâm cả năm trời mới xong, và qua tới 3,4 vòng review như hồi còn PhD nữa. Đơn giản vì không có thời gian nữa.
Tất nhiên công bố ấn phẩm cũng không phải là mục tiêu duy nhất của việc học PhD, vì có nhiều người sẽ nghĩ đó là phải hoàn thành được luận án. Hồi mới vào học, thì mình rụt rè hơn, và mục tiêu của mình hồi đó đơn giản là cái luận án tốt là cái luận án nó vượt qua được hội đồng để tốt nghiệp. Nhưng tới tận hết năm 3, khi mà mình có được cái nhìn rõ ràng hơn về luận án của mình, thực sự là trong hai năm đầu mình mù mờ lắm, cứ lao vào làm việc chứ không có cái nhìn tổng quan về luận án đâu, thì tới tận lúc đó, mục tiêu của mình mới thay đổi. Mình muốn đơn giản là viết một cái luận án mà sau này mình quay lại đọc nó, mình vẫn sẽ thấy tự hào khi đọc những câu chữ đó, và có lẽ để làm được như vậy thì mình cần phải kể được một câu chuyện rõ ràng. Mình bảo với giáo là tao có đọc một số thesis khác, thấy tụi nó viết các chương rời rạc quá, rồi khi gập cuốn sách vào lại không biết là tổng quan nó đang giải quyết vấn đề gì, và tao không muốn rơi vào trường hợp như vậy, nên mày hãy giúp tao. Có lẽ vì lý do đó mà cái luận án của mình được xào nấu rất kỹ, để rồi khi nộp cho các giáo sư phản biện, mình không nhận lại được một đánh giá nào tiêu cực cả (ngoài sửa mấy lỗi chính tả), và mình cũng được đề cử là luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của khoa năm đó.
Đến đây mình nghĩ, nếu ai đó muốn lấy luận án là thước đo thành công của một chương trình PhD, thì có lẽ cần tự bản thân xác định rõ được là mình muốn viết nó như thế nào. Với một số người, đơn giản nhất chỉ là gộp một số bài báo lại, và nộp đi, nhưng với một số người, thì muốn nó là một cuốn sách hoàn chỉnh, sẽ tùy vào năng lực, và thời gian, cũng như sự ưu tiên của mỗi người để lựa chọn.
Bản thân mình khi đi học PhD thì mình không muốn là sẽ chỉ cắm mặt mũi ở trong phòng thí nghiệm. Đây cũng là một thứ mà nhiều người cần xác định khi đi học. Vì bản thân mình biết mình không phải là ai đó có thể cả ngày cắm đầu từ sáng tới tối bên số liệu và máy móc (tất nhiên đây vẫn là phần chính), mình vẫn muốn được giao lưu, được tận hưởng thế giới bên ngoài. Trong quá trình học PhD, vì thế mà mình tham gia cũng kha khá hội nhóm, mình còn được đề cử vào làm thành viên của Hội đồng trường (Academic Board), đại diện cho toàn bộ sinh viên sau đại học nữa. Trong quá trình đó, nhất là trong thời gian đại dịch, tụi mình còn có nhiều cuối tuần ăn ngủ với nhau để viết bản thảo cho nhà trường kiến nghị các giải pháp và chính sách hỗ trợ sinh viên nghiên cứu trong đại dịch nữa. Bản thảo sau này còn được gửi lên Bộ Giáo Dục Úc và được triển khai ở rất nhiều trường đại học. Thời gian đó, có lẽ cái mình được nhất là được kết thêm nhiều bạn, những mối quan hệ với những người làm việc không cùng ngành với mình, nên mình học được rất nhiều thứ từ họ. Mình nghĩ phần này là tùy tính cách và tùy vào ưu tiên của mỗi người. Nếu ai đó biết tới mình, thì ngoài các hội nhóm trong trường, mình còn tham gia các hội nhóm ở Việt Nam nữa, một số diễn đàn, các chương trình mentoring, và rất rất nhiều hoạt động "vô bổ" nhưng mà lại vui ở Việt Nam nữa. Mình nghĩ cân bằng được cuộc sống giữa trong và ngoài phòng lab có lẽ cũng là một sự thành công.
Nói tới mối quan hệ, thì có một mối quan hệ tốt với thầy hướng dẫn và các đồng nghiệp có lẽ cũng là một điều mình tự hào. Nếu ai đó vào đọc thesis của tất cả các bạn trong lab mình, thì ở phần acknowledgements, đều có phần cảm ơn mình. Mình vốn là một nice guy trong lab, nên mình không ngại giúp đỡ mọi người, và phần nào đó mình cũng thích được giúp nữa. Bản thân mình nghĩ là cuộc đời không có keo kiệt với ai hết cả đâu, nên khi mình có thể giúp, hỗ trợ ai đó gì đó, là mình sẵn sàng. Đến hiện tại thì mình chưa có nhận lại gì cả từ các bạn (ngoài lời cảm ơn trong thesis), và mình cũng không mong đợi gì hết cả, nhưng mình đoán là cái thuyết nhân quả nó không đi theo đường thẳng như vậy.
Tất nhiên mọi sự giúp đỡ đều phải ở trong các quy tắc của liêm chính khoa học. Ví dụ như mình không phải là người sẽ cho ai đó đứng tên vào tờ báo của mình, hay thay đổi thứ tự đứng tên trong bài báo, vì mình nghĩ là cần tạo mối quan hệ với họ, và ngược lại, mình cũng vậy, không bao giờ đặt vấn đề với những người khác và không nghiêm túc trong khoa học. Mình rất rõ ràng và rất thẳng thắn về những điều này, và cũng rất cẩn thận mỗi khi liên quan tới những mối quan hệ như thế này. Mình thấy rằng có thể lúc đó, ai đó sẽ không vui khi mình từ chối, nhưng về lâu dài sau này, mình mong họ sẽ hiểu cho mình. Và nếu họ không chịu hiểu, thì mình nghĩ là mình cũng không cần giao lưu với người đó trong cuộc đời. Có lẽ quan điểm sống này của mình khác với rất nhiều người ở Việt Nam, nhưng đến bây giờ thì nó vẫn đang hoạt động rất tốt với mình, nên mình nghĩ là mình sẽ vẫn giữ nó.
Mình làm thế vì đơn giản là mình không muốn đánh mất bản thân (một phần có lẽ tại mình khá bảo thủ chăng?), nhưng may mắn là các giáo sư hướng dẫn và mình cũng làm việc với nhau trên quan điểm như vậy. Thầy trò vẫn giúp đỡ nhau trong đời sống cá nhân (chủ yếu là thầy giúp mình), nhưng khi làm việc thì tụi mình rất nghiêm túc. Mình chưa bao giờ muộn bất cứ cuộc họp nào, luôn chuẩn bị chu đáo trước khi họp, và luôn chủ động giải quyết công việc trước mỗi lần gặp thầy, nên xuyên suốt cả 4 năm thì thầy rất hài lòng về mình. Có lẽ nhờ kỷ luật đó, mà khi mình tốt nghiệp, trong bữa tiệc, thầy nói với bố mẹ mình và trước mặt toàn bộ mọi người bạn bè mình hôm đó rằng mình là sinh viên PhD xuất sắc nhất mà thầy từng hướng dẫn. Mình luôn quan điểm rằng, mỗi người thầy, khi xuất hiện trong cuộc đời mình để dạy dỗ mình, thì họ sẽ là thầy cho cả cuộc đời này, không phải chỉ mỗi 4, 5 năm học, mà cả sau này nữa vẫn làm việc với nhau. Mỗi lần ghé qua thành phố vẫn có thể thoải mái vào thăm chào hỏi nhau. Hiện tại mình và các thầy vẫn trao đổi khoa học thường xuyên, và gần đây nhất khi thầy và gia đình tới thành phố mình để du lịch, thì vẫn gọi mình để ăn tối cùng. Bản thân mình nghĩ rằng giữ được một mối quan hệ tốt này, ngoài tính cách của chính con người đó, thì cần phải có sự nỗ lực từ phía mình, thì việc rõ ràng trong khoa học, có quan điểm sống và làm việc nghiêm túc, và sự kỷ luật là điều rất cần thiết.
Học PhD cũng là quá trình làm “công nhân giá rẻ”, khi mà học bổng hầu hết chỉ vừa đủ để sống ở mức sống thấp nhất trong xã hội. Vì lý do đó nên nhiều bạn cũng sẽ làm thêm, mình cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, để phục vụ cho cơ hội tốt hơn để xin việc trong học thuật sau này, mình lựa chọn là mình sẽ đi dạy thêm, vì ở Úc thì khi đi làm tutor trong trường thì sẽ được trả lương đàng hoàng và lương cũng cao nữa, khoảng tầm $55-60/giờ (không như ở Mỹ thì làm TA là gộp luôn vào chương trình PhD nha). Trước khi mình sang Úc, mình đã nhắm một số môn mình muốn dạy, và ngày đầu tiên mình tới trường, mình còn nhớ hôm đó mình qua chào giáo hướng dẫn mình, ngồi nói chuyện khá lâu cho lần đầu gặp mặt, thì ngay sau khi rời khỏi phòng giáo, mình đi lên tầng và gõ cửa phòng một giáo sư khác và đưa cho họ CV của mình, bảo rằng mình muốn trợ giảng (tutor) môn của họ. Nhờ sự chủ động của ngày đầu tiên đó mà đều đặn tất cả các kỳ của cả 4 năm, mình đều dạy 2 môn mỗi kì (ai đã từng đi nộp đơn làm tutor rồi thì sẽ thấy là ngoài việc dạy cho môn của chính giáo sư hướng dẫn mình, thì để được nhận dạy các môn của các giáo khác không phải là điều dễ). Có một môn mình còn được làm senior tutor cho 2 kì, và một môn khác thì mình được thiết kế bài giảng và giảng bài xen kẽ với thầy. Mình thích dạy học, nên có lẽ ngoài vì lý do là thêm thu nhập (có một số kì thì thu nhập từ việc làm tutor gấp 2,3 lần số tiền học bổng của mình), thì mình thấy rất sướng khi được tiếp xúc với sinh viên, và giảng giải cái gì đó, thảo luận gì đó với tụi nó. Kinh nghiệm dạy học cũng phần nào đó giúp mình có hồ sơ tốt hơn khi xin việc nữa. Cuối cùng thì nhờ vào kinh nghiệm dạy này, mà sau này mình cũng đi dạy thêm cho tụi học sinh cấp 3, để rồi lúc mình sắp tốt nghiệp thì còn được một chị bạn ở tận bên UK "rủ rê" thử sức dạy A-level, và vẫn gắn bó với việc dạy thêm đó tới tận bây giờ. Cũng nhờ vào việc dạy mà sau khi tốt nghiệp, mình cũng có được một khoản để mua xe, sắm sửa trong nhà, du lịch, thăm nhà, và bắt đầu cho cuộc sống mới ở thành phố khác. Mình vốn dĩ hoàn toàn tự lập về tài chính trước giờ mà không nhờ vào ai cả, nhất là từ gia đình, và may mắn thay nhờ vào những giờ dạy đó, mà mình vẫn không phải phá vỡ điều đó. Hơn nữa, mình cũng từng được sinh viên đề cử là giảng viên xuất sắc, và được nhận giải Dean's Award for Excellence in Tutoring nữa. Kinh nghiệm giảng dạy cũng là tiêu chí xét duyệt của một số giải thưởng sau này khi mình đi làm, nên ngày xưa đó mạnh dạn đi gõ cửa các thầy, ánh mắt tha thiết khi gửi họ CV, thì cũng đã mang về cho mình khá nhiều thứ.
Tất nhiên không phải ai cũng phù hợp với việc đi dạy, nên một số sẽ chọn đi làm thêm ở bên ngoài trường, một số khác thì giỏi hơn, sẽ đầu tư gì đó, có bạn còn rất giỏi khi buôn bán thêm mà học xong mua được luôn cả nhà đất ở Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một số chỉ sống dựa trên học bổng (vì thực tế thì học bổng thôi cũng thoải mái để sống rồi), và họ thấy năng lực của họ chỉ nên tập trung vào nghiên cứu thôi, vì đó mới là cái ưu tiên chính nhất của học PhD mà. Mình nghĩ tùy vào tiêu chí đặt ra của mỗi người, và mỗi người phải tự hiểu năng lực của mình, mà chọn cho bản thân được một cuộc sống phù hợp. Nhưng với mình, vì mình thích dạy học, và làm cái mình yêu thích cùng lúc cũng tạo ra được thêm một phần thu nhập để có cuộc sống thoải mái hơn, nên có lẽ với mình, nếu đây là một tiêu chí thành công của PhD, thì nó cũng đã khá thành công rồi đó.
Nhiều người sẽ nghĩ, học PhD mà nếu sau này kiến thức đó không được dùng tới thì sao được gọi là thành công. Nếu học xong rồi, những ấn phẩm kia cũng gác lại đó, lâu lâu may mắn mới có ai đó trích dẫn nó, và rồi chuyển nghề, thì liệu việc học PhD có được gọi là thành công? Thực sự thì số lượng người có thể vẫn tiếp tục làm trong đúng chuyên ngành sâu sau khi tốt nghiệp không nhiều, trừ ai đó vẫn trụ lại được trong môi trường học thuật. Một số khác thành công hơn (theo ý mình), như một bạn cùng lab với mình, thì sử dụng luôn công nghệ mà bạn ấy dùng khi học PhD, cụ thể là hệ thống cảm biến phát hiện ra sâu bệnh cho cây ăn quả, mà thành lập luôn doanh nghiệp và gọi vốn thành công. Một số thì chuyển qua làm khoa học chung chung hơn, không nghiên cứu sâu nữa. Phần lớn khác thì đi làm doanh nghiệp bên ngoài.
Nhưng có lẽ làm gì đi nữa, thì mình nghĩ rằng kiến thức học được trong quãng PhD cần được sử dụng và phát triển nó. Dù là tiếp tục trong học thuật, hay là đi làm doanh nghiệp, thì nếu những kiến thức kia giúp ích được trong công việc hiện tại, có lẽ đó là thành công nhất của một ai đó tốt nghiệp PhD rồi.
Bản thân mình thì khi mình nộp xong thesis là mình bắt đầu xin việc. Hồi đó mình chỉ nộp có 3 nơi thôi, tiếp tục ở đại học mình đang học (nhưng khác khoa), một cơ quan ngang Bộ trong chính phủ (cũng là vị trí nghiên cứu), và Viện nghiên cứu Quốc Gia mà mình đang làm hiện tại. Dù là lời khuyên của rất nhiều người cho mình hồi đó là nên rải hồ sơ thật nhiều, mình chỉ chọn đúng 3 chỗ mình yêu thích, và tập trung hết toàn bộ năng lượng vào đó, rồi nộp thôi. Ngày đó cách xin việc của mình nó cũng cứng đầu và ngược đời lắm (sau này có thời gian thì mình chia sẻ sau). Mình may mắn khi được nhận vào cả 3 vị trí trên, và mình chọn viện nghiên cứu vì đơn giản là viện cho mình cơ hội được tiếp tục làm trên cái đề tài của PhD của mình, và mở rộng nó từ vật lý và toán sang các mảng khác (sinh + hóa + AI). Trong 3 vị trí trên, thì ở Viện lương cũng thấp nhất, nhưng hồi đó mình nghĩ môi trường ở đó cũng khác với trường đại học hơn, nó sẽ có một nửa nghiên cứu, một nữa ứng dụng, nên mình muốn thử, biết đâu lại phù hợp với mình. Có lẽ với mình tới hiện tại, mình nghĩ quyết định ngày đó khá đúng đắn, nên tiêu chí này cũng được gọi là phần nào thành công. Ah mà mình cũng dễ bị dụ dỗ lắm, hồi đó thì ở Viện nó gọi cái chương trình tuyển mình vào là Impossible Without You Fellowship, cái tên kêu quá, nên mình cũng ham hố mà nghiêng con tim về đó.
Cuối cùng, chương trình PhD của mình vẫn có nhiều thứ mà mình không thực hiện được, ví dụ như cơ hội được thực tập trong một tập đoàn nào đó thật lớn, hay cơ hội hợp tác với ai đó từ các trường, viện khác trên thế giới (mình khá yếu phần này nên loanh quanh co-authors toàn các thầy và bạn cùng trường), một số khác thì công bố trên các tạp chí lớn, hay một số khác thì tiêu chí cá nhân cũng đạt được, như là lập gia đình, sinh con trong lúc làm PhD, rồi hoàn thành hồ sơ định cư (đây cũng là điều mà mình khá tiếc nuối vì mãi sau này rồi mình mới làm được chuyện ổn định này), số khác nữa thì kinh doanh, mua được nhà cửa, gửi rất nhiều tiền về nhà, số khác nữa học xong cái thì ra làm cho các tổ chức chính phủ, đưa ra chính sách có ý nghĩa, có số nữa thì lại ra doanh nghiệp rồi nhận lương rất cao, hay một số khác tốt nghiệp xong cái thì nhận luôn các fellowship lớn, và sau đó đi luôn lên level B (làm trợ lý giáo sư ngay sau khi học), số khác nữa thì học xong rồi về VN, và mở phòng lab, tận hưởng cuộc sống ở quê nhà, thậm chí một số mà mình biết thì dù chuyển nghề, nhưng vẫn dùng những gì mình học được để mở trung tâm hướng dẫn du học, định cư. Có lẽ trong muôn nẻo đường sau PhD, sẽ rất khó để đánh giá được thế nào là một PhD thành công. Và cũng sẽ rất khó để định nghĩa một ai đó đang thành công.
Mình đưa ra 7 tiêu chí trên (1. Học bổng/giải thưởng, 2. Báo chí, 3. Luận án, 4. Hoạt động xã hội, 5. Mối quan hệ, 6. Tài chính, và 7. Sự tiếp nối của nghiên cứu). Mình nghĩ số 7 là một con số rất đẹp để liệt kê, tuy nhiên khi viết tới đây rồi, mình nhận ra rằng mình quên mất một tiêu chí rất quan trọng nữa, đó là bản thân mình đã lớn lên ra sao sau chứng ấy năm học PhD. Mình đang không nói về mỗi các kỹ năng (đọc, viết, tìm tòi tài liệu, đặt câu hỏi, thiết kế thí nghiệm, lên kế hoạch, làm thì nghiệm, trình bày báo cáo kết quả, v.v.), hay tư duy phản biện, và sự tự lập, sáng tạo trong cách tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống, tính kiên nhẫn, khả năng chịu đựng áp lực, v.v., mà mình đang nói về sự lớn lên trong tư duy và suy nghĩ nữa. Ai đó khi tốt nghiệp xong PhD đều thấy rằng kiến thức thật sự rất bao la, và cái mình học được đó chỉ là một hạt cát rất nhỏ, để từ đó mà có tiếp tục hỏi hỏi không ngừng. Ngoài ra, còn hiểu được rõ hơn về sự hạnh phúc là gì, hay đam mê ở đâu, cái gì thực sự mang tới giá trị cho cuộc sống, để mà từ đó biết được thế nào là đủ đầy. Cuối cùng nữa, vì biết được là mình vừa được ban cho một lượng kiến thức chuyên sâu về một mảng gì đó, cộng với những kỹ năng được mài dũa qua những năm tháng lăn lộn trong phòng thí nghiệm, thì giờ đây lại muốn được sử dụng những kiến thức đó để giúp đỡ người khác (có thể không trực tiếp là giúp về chuyên môn, nhưng mà thực sự là mấy người học PhD xong rất hay giúp người). Mình biết là mình đang nói gộp số đông lại với nhau, nhưng có lẽ hầu hết những người khi hoàn thành PhD xong và thấy rằng mình thay đổi được tư duy thì xứng đáng để việc đó vào là tiêu chí số 8.
Hoàn thành chương trình PhD dù sao cũng chỉ là một bước đi rất nhỏ trong đời. Trong sự nghiệp nghiên cứu, thậm chí là sau khi xong PhD rồi thì mới được tính là bắt đầu làm nghiên cứu, nên có lẽ để bảo ai đó thành công hay không, cần rất nhiều thời gian nữa lắm. Nhưng nếu giả sử mình cứ xem việc làm PhD thành công không là cái gì đó định lượng được đi, thì với bạn thì sao, thế nào là tiêu chí cho một PhD thành công? Bản thân mình thì sau rất nhiều gập ghềnh, mình được đi học cái mình thích, và giờ được sống cùng với đam mê đó, có lẽ với mình, đó là thành công.
Bản thân mình thì sau rất nhiều gập ghềnh, mình được đi học cái mình thích, và giờ được sống cùng với đam mê đó, có lẽ với mình, đó là thành công.
Ảnh bìa: Mình trong một giờ dạy học.
Ảnh cuối bài: Mình (thấp nhất) chụp ảnh cùng các bạn cùng lab cũ trong một ngày quay lại ghé thăm thầy.