August 19, 2021.
Hôm nay chính thức đọc xong cả 3 cuốn sách của Khaled Hossenini (Người đua diều, Ngàn ánh mặt trời rực rỡ, Và rồi núi vọng) và muốn viết một xíu về bộ truyện này. Cả 3 cuốn nói chung là đọc rất mệt. Mệt vì mỗi cuốn là một biên niên sử cả mấy chục năm của cái đất nước Afghanistan có nhiều tộc người với các mâu thuẫn về quyền lực, tôn giáo và đầy các cuộc chiến tranh từ nội đến ngoại chiến này. Mệt là vì mỗi cuốn là một bản trường ca về rất nhiều nỗi đau, sự uất ức, và sự hi vọng. Mệt vì mỗi cuốn thế là những tình tiết không ngừng nghỉ, không thể thư giãn được từ đầu đến cuối. Mệt là vì mỗi cuốn sách khi đọc xong, gấp lại thả xuống rồi, vẫn thấy cái cảm xúc ấm ứt, một nỗi buồn man mác cứ bám theo mình dai dẳng cả ngày. Cuốn Ngàn ánh mặt trời rực rỡ chẳng hạn, hai người đàn bà, một người đã quen với sự khổ cực, chịu đựng, Mariam, một người được lớn lên trong nhung lụa, Lalia. Rồi số phận khiến cả hai lọt vào làm vợ của tên chồng gia trưởng bạo lực và hồi giáo cực đoan luôn đánh đập bạo hành họ, Rasheed. Cả hai cứ thế mà chịu đánh đập của Rasheed ngày qua ngày, từ lúc Taliban chưa nắm quyền cho đến khi Taliban thao túng toàn bộ đời sống ở Afghanistan. Rồi lúc đọc cứ mong móng rằng người tình của Lalia sẽ quay lại để giải cứu họ, nhưng khi Tariq xuất hiện lại làm cho bi kịch đến để khiến cho Mariam giết chồng để cứu lấy đôi tình nhân trẻ kia và hai đứa trẻ, và cô phải đi đầu thú và bị xử tử hình. Đọc đến đó cứ thấy uất ức cho cái xã hội kia, nhưng một phần nào đó lại thương cảm và hi vọng cho Talia và Tariq về một cuộc sống tốt hơn sau này, như những ánh mặt trời, lặn rồi ngày hôm sau lại mọc lên rực rỡ.
Cả 3 cuốn sách có lẽ không phải là những câu truyện nhẹ cân giải trí cho bất kì ai. Nên có lẽ nếu ai đó muốn cái gì đó nhẹ nhàng cho một ngày cuối tuần thì không nên cầm sách lên đọc, đọc xong có khi lại trầm cảm thêm = )) Tuy nhiên, nếu ai đó muốn có một góc nhìn thật nhất về những cuộc chiến ở Afghanistan, về lịch sử, con người, về gia đình, xã hội, có lẽ cả 3 cuốn sách là một tư liệu tham khảo quý báu. Đọc để thấy rằng, giữa hàng ngàn ngọn lửa của xung đột vẫn luôn cháy âm ỉ hàng nghìn năm qua ở mảnh đất này, thì con người vẫn là con người, vẫn có đủ tham sân si hỷ nộ ái ố, vẫn có sự khổ đau, tình thương, và vẫn có sự tương đồng giữa tôi và những con người đó.
Cái hình ảnh chiếc trực thăng di tản ở trên mái của Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kabul, Afghanistan làm tôi ám ảnh, bởi vì nó làm tôi nhớ lại một hình ảnh tương tự như vậy được chụp ở trên chính mái nhà của ĐSQ Mỹ tại Sài Gòn vào cái ngày nọ năm 75. Cái chữ -stan vốn dĩ là một hậu tố của người Persian và Urdu, mang ý nghĩa là mảnh đất của người nào đó, nên trong chính cái tên Afghanistan đã có ý nghĩa là nó là đất nước của người dân Afghan, và như nhiều người cũng đã nói, Taliban nói cho cùng thì cũng là người Afghan. Vậy việc nước Mỹ rút ra khỏi đất nước này có lẽ là một sự tất yếu sẽ và cần phải xảy ra. Hay việc Nga đưa ra mọi lý do để xâm lược Afghanistan năm 79 chỉ vì đơn giản đất nước này là một cửa ngõ để Nga có thể với quyền lực của mình đến vùng nam Á, thì mọi thứ đọng lại có lẽ là cái dân tộc này cũng là một đất nước bị kẹt giữa các ông lớn khác, cũng không khác gì nhiều so với Việt Nam. Nhưng có một điểm khác, đó là Luật Hồi giáo Sharia. Đạo luật hà khắc này hiện tại là điều khiến thế giới lo lắng nhất cho số phận của người dân, đặc biệt là phụ nữ tại đất nước này. Nhưng cái hình ảnh của chiếc trực thăng kia có phần nào đó xoa dịu tôi rằng, có lẽ biết đâu sau 50 năm nữa, dân tộc Afghan sẽ cũng được sống trong hòa bình, như chính người dân Việt? Taliban có một câu quotes khá nổi tiếng “You have the watches, but we have the time.”, Nghĩa là mày có thể sở hữu nhiều cái đồng hồ, nhưng bọn tau nắm giữ thời gian. Mỹ, Nga, Tàu, hay nước ngoại quốc nào cho dù có hàng tỷ đô la đổ vào, nếu người địa phương kiên trì kháng chiến, rồi cũng đến lúc bọn xâm lược kia sẽ chán chường, cảm thấy hoang phí về cả của cải và mạng người, mà phải tự rút lui, cũng như ở Việt Nam dạo trước.
Cũng không ai đoán trước được tương lai của dân tộc Afghan. Chỉ mong rằng những câu chuyện như của Amir và Hassan trong người đua diều, của anh trai và em gái ruột Abdullah và Pari ở Và rồi núi vọng, hay của Mariam, Lalia và Tariq sẽ ít dần đi. Nghe đâu đó rằng, Nga đang đổ một lượng tiền không nhỏ vào để sử dụng một số đạo quân Taliban như các con tốt của mình để đi đánh chiếm và đe dọa một số nước quanh vùng biển Đen, một khu vực biển mà Nga luôn khao khát có được. Nếu đúng vậy thì số phận của đất nước này vẫn sẽ còn rất nhiều khổ đau.
P/s: Nhưng nói thật đọc về Taliban, xong rồi mò sang 7 nhóm thánh chiến mujahideen hay liên minh phương bắc Northern Alliance, rồi đọc về sự khác biệt giữa hai phe cộng sản, Marxists và Maoists để giải thích cuộc chiến giữa Liên xô và Afghanistan hồi năm 79, cố gắng tìm đọc về động cơ của nước Mỹ, rồi sau mò mẫm làm sao giờ đang tìm hiểu về sự khác nhau giữa hai nhánh đạo hồi Sunni muslim và Shia Muslim và cái lịch sử cả nghìn năm của vùng Trung Đông này. Nên để tránh rơi vào cái ma trận trên như tôi, có lẽ các bạn đọc 3 cuốn sách kia vẫn còn nhẹ nhàng hơn đó. Có thể bắt đầu bằng cuốn Người đua diều, tuy nhiên đọc cuốn nào trước cũng được. Bản thân tôi thích cuốn Ngàn ánh mặt trời rực rỡ nhất.