April 8th, 2023.
Hôm trước mình tình cờ lên trang VietPhD và đọc được câu chuyện một cậu người Việt học xong ở Hàn Quốc rồi không nhận được lương tháng cuối, và đăng bài lên trang đó để trách giáo. Cậu ấy bảo rằng hợp đồng đến hết tháng 2, nhưng mà chỉ nhận được lương đến cuối tháng 1 do cậu ấy tốt nghiệp xong vào cuối tháng 1. Cậu liên hệ giáo và đòi tiền, và giáo bảo rằng bên giáo và khoa chắc có lỗi gì đó mà không trả được tiền, nhưng bù lại thì giáo bảo nếu bài báo của cậu ấy đã nộp và được nhận đăng thì giáo sẽ tự bỏ tiền túi ra thưởng (mình thấy ông giáo này đã giải quyết rất hợp tình hợp lý rồi). Sau một thời gian, bài báo bị từ chối, và giáo cũng vì thế không trả tiền. Cậu viết thư lại và đòi tiếp với lý do là tài chính bản thân đang khó khăn. Giáo tất nhiên trả lời lại bảo là nên phân biệt chuyện công việc và chuyện riêng tư. Cậu này vì thế cay cú, viết lên mạng xã hội, đính kèm toàn bộ thư từ, email, tin nhắn, và thông tin của giáo lên đó.
Có khá nhiều người đã không ủng hộ, và với tinh thần rất giáo dục và nhân văn, hầu hết đều khuyên bảo cậu cậu về cách ứng xử và hướng dẫn cách cậu ấy có thể làm tiếp theo như thế nào. Tuy nhiên, cậu đã không nghe mà còn tiếp tục tìm bằng chứng để chứng minh rằng mình đúng, còn giáo thì sai, và tranh luận lại với mọi người.
Chỉ là một câu chuyện nhỏ trên mạng xã hội, nhưng thái độ “burn the bridge” hay là “qua cầu rút ván” như vậy chỉ mang lại sự thiệt thòi cho cậu bé này. Bản thân mình thấy không chỉ giờ khi đi làm rồi, mà lúc học tiến sĩ rất dài đó, thái độ rất quan trọng, và đặc biệt quan trọng với chính giáo sư của mình. Người ta hay nói rằng mỗi gia đình thì có một cây phả hệ (family tree), thì trong nghiệp nghiên cứu, cũng có academic tree (cây phả hệ của các đời sư phụ và đồ đệ). Mối quan hệ giữa sinh viên và giáo nó là một mối quan hệ rất lâu dài và có thể đưa lên cả cây phả hệ như vậy đó.
Bài viết này, mình muốn kể về một ví dụ khi bản thân mình tốt nghiệp và đã bàn giao lại văn phòng “chia tay” giáo như thế nào.
Khi làm việc, giáo đã sắm cho mình một hệ thống máy tính rất khủng. Gồm có cá nhân thì một chiếc máy tính bàn của Dell (core I7, 64GB memory, 5TB disk), một dàn máy gồm 16 chiếc tương tự được kết nối với nhau để tạo thành một phòng máy mà mình có thể chạy parallel job lúc nào cũng được, ngoài ra thì mình còn được sử dụng siêu máy tính (supercomputer) của trường, và của National Computational Infrastructure, nơi mình dùng để chạy simulation mà mỗi cái thể có thể dùng tới 1024–2048 CPUs và đốt của giáo không biết bao nhiêu tiền
Khi mình tốt nghiệp, với tài khoản (allocation) trên NCI, mình còn thừa khá nhiều Service Units để có thể chạy mô phỏng trên đó. Thay vì mặc kệ và rời đi (và chắc giáo cũng không quan tâm đâu), mình đã liên hệ với các bạn trọng khoa và hỏi xem có ai cần không, và mình liên hệ bên dịch vụ của NCI rồi bảo họ chuyển hết số còn lại đó cho một bạn đang làm tiến sĩ ở nhóm khác.
Về phòng máy tính (mà có 16 cái đó), trước khi đi, mình dành nguyên một ngày từ sáng đến nửa đêm để “lau dọn” nó, bao gồm cài lại toàn bộ hệ điều hành OS mới, kiểm tra toàn bộ ổ đĩa như hiệu suất ghi của đĩa còn tốt bao nhiêu và ghi chú lại để sau báo cho giáo biết để ông ấy có thể mua cái mới (nếu cần) trong thời gian tới, mình cũng tạo cho giáo một cái hệ thống theo dõi web service để giáo có thể biết được máy nào đang chạy, tài khoản nào đang chạy, chạy hiệu suất ra sao, nhiệt độ của máy là bao nhiêu.
Về máy tính cá nhân, mình biết nếu mà mình không làm gì, thì nhà trường sẽ thu nó lại và rồi thường sẽ bỏ xó cho đến rất lâu sau đấy thì được nghiệm thu. Mình quyết định liên hệ lên phòng quản lý của khoa, và nói rằng mình muốn chuyển cái máy đó cho bạn nghiên cứu sinh mới vào trong khoa, vì mình hiểu rằng có thể một chiếc máy cũ khác để làm một số việc lặt vặt sẽ rất tiện. Đồng thời, mình liên hệ giáo và bạn NCS kia và tất nhiên bạn ấy cực kì vui khi nhận được đề nghị như thế. Trước khi chuyển cho bạn ấy, mình cũng cài cho bạn ấy hệ điều hành Linux mới nhất, và để sẵn trong máy một bộ siu tập gần 200 bài báo trong ngành mình và bạn ấy đang làm, cũng như các tài liệu khác. Giáo thì khỏi phải nói, rất hài lòng khi mình làm những điều trên.
Mình cũng dọn sạch hết văn phòng, trả chìa khóa cho khoa (tất nhiên cái này thì ai cũng phải làm), nhưng mà mình có để lại một con gấu (biểu tượng may mắn của sinh viên trường đh Sydney), và một cái note viết tay chúc cho bạn mới tiếp theo vào thuận lợi, cũng như mình mô tả những điều nhỏ nhặt thôi mà mình chú ý khi ở góc văn phòng đó, như tiếng ồn, cách sử dụng ổ điện, ổ mạng, cách sử dụng điều hòa ra sao, v. v.
Tất cả các việc trên, mình đều làm không công, khi đã xong hợp đồng, và không một ai yêu cầu mình cả. Mình làm vì nghĩ rằng với người thầy đã dạy mình, thì một chữ cũng là thầy, mà nửa chữ cũng là thầy. Tương lai mình không biết họ sẽ còn đi cùng mình không, có giúp gì mình trong sự nghiệp nữa không, nhưng mình chắc chắn rằng trong cuộc sống, không chỉ first impression (ấn tượng đầu tiên), mà cả last impression (ấn tượng sau cùng) đều cũng cực kì quan trọng.