Bàn về cơ chế quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ


Tôi xin chia sẻ nội dung câu trả lời phỏng vấn của Báo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ở đây. Tôi copy nguyên văn từ bài viết tôi gửi cho quý báo.


Báo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Kính gửi: Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy 


Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu: …Ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Cơ cấu lại nguồn ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. 

Lịch sử và những con số.

Việc kết hợp giữa đào tạo đại học và nghiên cứu của nước Úc cũng bắt nguồn từ mô hình Humboldtian từ nước Đức ở thế kỷ 19. Tất nhiên mô hình này lan tỏa ra khắp châu Âu, Anh Quốc và hơn 200 trường đại học ở nước Mỹ, trước khi tới một lục địa mới được khai phá như lục địa Australia. Vì “sinh sau đẻ muộn” hơn, nên ngay từ đầu, các trường đại học ở Úc không chỉ là các địa chỉ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mà cũng phục vụ luôn việc cung cấp tri thức và đào tạo nhân lực cho các ngành trong xã hội Úc, và điều đó vẫn đúng cho tới ngày nay.

Nghiên cứu gắn với thực tiễn của xã hội được chứng minh mạnh mẽ nhất trong thời gian thế chiến thứ hai. Có rất nhiều phát minh, sáng chế được ra đời vào thời gian này, chủ yếu vào mục tiêu phục vụ chế tạo quân tài, vũ khí.  Tuy nhiên, việc chính phủ tập trung đầu tư cho nghiên cứu thực sự cất cánh bởi tác động của Chiến tranh lạnh, giữa các nước theo phe Mỹ (như Úc), và các nước theo phe Liên Xô. Trong cuộc chiến này, không chỉ ganh đua nhau về chính trị, kinh tế, mà khoa học kỹ thuật cũng rất được chú tâm (phổ biến như câu chuyện về Liên Xô phóng phi hành gia lên vũ trụ, và Mỹ cũng đáp trả bằng việc cho người lên mặt trăng chẳng hạn). Trong cái guồng đó, nước Úc thành lập Đại học Quốc Gia Úc (năm 1946) với mục tiêu hoàn toàn tập trung cho nghiên cứu (bây giờ tất nhiên đại học này đã thay đổi và kết hợp cả giảng dạy). Lúc đầu đại học này được nhận tài trợ qua các quỹ đóng góp về văn phòng của trường (University Office), cho đến cuối năm 1946, khi mà Quỹ Khoa Học Thịnh Vượng Chung (Commonwealth Universities Grants Committee) được thành lập. Hội đồng này xem xét và đầu tư cho các dự án nghiên cứu tại các đại học Úc bấy giờ. Hội đồng này sau này được đổi tên thành Australian Research Grants Committee năm 1964, và thành Australian Research Council - ARC (Hội đồng nghiên cứu quốc gia) năm 1988.  ARC đến ngày nay vẫn là hội đồng quỹ chính phủ cơ yếu nhất của Australia. 

Trong khoảng thời gian này, Úc cũng nhận ra được tầm quan trọng của việc thành lập các trung tâm và viện nghiên cứu ngoài đại học. Hội đồng Khoa học và Công nghiệp (Council for Scientific and Industrial Research) thành lập năm 1926 được mở rộng thành Viện nghiên cứu Quốc Gia Úc (The Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation) năm 1949, tên hay thường gọi là CSIRO, với mục tiêu để tập trung các quỹ nghiên cứu ứng dụng tập trung ở một viện chuyên sâu về nghiên cứu.

Vào năm 1992, Bộ Y Tế Úc cũng quyết định thành lập quỹ nghiên cứu riêng về mảng y tế, và nâng cấp Hội đồng Y tế Liên Bang (The Federal Health Council) thành Hội đồng Nghiên cứu Quốc Gia ngành Y Tế  (National Health and Medical Research Council) - NHMRC. Vào năm 2013/14, Qũy này đầu tư 1.69 tỷ đô cho các dự án nghiên cứu ngành y tế ở Úc. Cũng trong năm này, CSIRO cũng được nhận đầu tư 1.63 tỷ đô cho nghiên cứu của viện, và ARC cũng tài trợ 934.6 triệu (gần 1 tỷ đô) cho các dự án nghiên cứu ở các trường đại học năm 2024. 

Nhưng con số đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở Úc cao hơn thế rất nhiều, vì hiện nay, nghiên cứu ở Úc được đầu tư từ nhiều nguồn, từ chính quyền liên bang, chính quyền cơ sở, mỗi các bộ, sở đều có quỹ riêng để đầu tư các dự án nghiên cứu, với tổng cộng nguồn đầu tư từ toàn bộ mảng nhà nước là 11.8 tỷ đô vào năm 2021/22 (trong đó 31.5% là cho các dự án ở trong các trường đại học, cũng như cho việc đào tạo sinh viên nghiên cứu, nghiên cứu sinh). Đầu tư từ các quỹ tư nhân, các phòng R&D lên tới con số 23.8 tỷ đô trong cùng năm (gần gấp đôi so với mảng nhà nước). 

Ngày nay, nước Úc cũng đã có tới 43 trường đại học, và khoảng 59 Viện nghiên cứu trọng điểm và Viện nghiên cứu Quốc Gia, trong đó CSIRO vẫn là Viện nghiên cứu lớn nhất ở Úc. Ngoài ra thì hầu hết các tập đoàn và các cơ quan chính phủ cũng có viện nghiên cứu của riêng họ, và làm việc kết hợp chặt chẽ với các trường đại học và các viện quốc gia.

Theo Tiến sĩ, việc ưu tiên cấp kinh phí theo cơ chế quỹ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước? Tiến sĩ có thể phân tích rõ hơn về những tác động tích cực của cơ chế này không?

Chính phủ Úc đưa ra Australia’s National Science Statement (Bản Hiến Chương Khoa Học Quốc Gia), trong đó nêu ra tầm quan trọng của nghiên cứu và khoa học với 5 điều: (1) Khoa học là cơ sở cho tương lai của nước Úc, (2) Khoa học là trọng tâm của nền công nghiệp Úc, (3) Khoa học củng cố nhân lực tay nghề cao của Úc cho các nền công nghiệp mới, (4) Khoa học thúc đẩy lợi ích và vị trí của Úc trong khu vực và toàn cầu, và (5) Khoa học là nền móng cho nước Úc với những thách thức ở tương lai. 

Bản hiến chương này là sự kết hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, và được đánh giá bởi thành viên của 5 viện Hàn Lâm ở Úc (Viện Hàn Lâm Khoa Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, Viện Hàn Lâm Y Tế, Viện Hàn Lâm Nhân Văn, Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ). Chú ý rằng mỗi Viện Hàn Lâm ở Úc là tập hợp các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở mảng đó, với mục tiêu chính là để tư vấn, đưa kiến nghị, cũng như đánh giá các vấn đề liên quan tới khoa học của Viện. Các Viện không làm nghiên cứu, hay giảng dạy, đào tạo như ở Việt Nam. 

Ở mỗi đề mục, các mục tiêu của nghiên cứu khoa học được đưa ra phù hợp với đề mục, từ đó đưa ra kiến nghị về việc đầu tư phát triển khoa học gắn liền với 5 đề mục trên. 

Tổng Cục Thống Kê đưa ra các con số về phát triển kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, và đưa ra hai văn bản: (1) Hệ thống phân loại nghiên cứu tiêu chuẩn của Úc và New Zealand (The Australian and New Zealand Standard Research Classification) với mục tiêu đưa ra quy tắc đánh giá và phân tích nghiên cứu và phát triển, như loại hình nghiên cứu, mảng nghiên cứu, và tác động của nó lên kinh tế xã hội. (2) Tổng Cục Thống Kê cũng từ đó đưa ra các mảng ngành phù hợp với 5 đề mục đưa ra ở hiến chương ở trên, ví dụ hiện tại có 3 mảng ngành đang được chú trọng ở Úc bao gồm Kỹ thuật, Y tế, và Khoa học tự nhiên. 


Trong hai văn bản trên, cũng phải đưa ra được ước tính giá trị về tài chính phải chi ra, và thu lại của những sản phẩm nghiên cứu khi hoàn thành, gắn liền với tăng trưởng GDP của Quốc gia, v.v. Ví dụ như ở CSIRO, mỗi năm, cơ quan này phải tính toán 1 đô la bỏ ra sẽ thu về giá trị kinh tế được bao nhiêu đô la (ví dụ 3.5 đô la cho năm 2024), tính toán dựa theo phương pháp Tính toán lợi ích xã hội từ đổi mới sáng tạo (a calculation of the social returns to innovation) của Viện nghiên cứu Kinh tế Liên Bang Hoa Kỳ. Những báo cáo từ toàn bộ tất cả viện, trường, doanh nghiệp như thế này sẽ giúp Tổng Cục Thống Kê có được số liệu cho tính toán của mình.


Hình 1: Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học (Gross Expenditure on Research and Development - GERD) được tính toán từ các nguồn từ Doanh nghiệp + Chính Phủ + Trường Đại học + Tổ Chức Phi Chính Phủ.


Từ đó, chính phủ Úc đưa ra cơ chế vận hành của quỹ nghiên cứu khoa học, ví dụ như bao nhiêu % GDP, tập trung vào các ngành nghề nào, và ban hành chính sách cũng như cơ chế quỹ. 


Bằng cách làm này, các quỹ nghiên cứu khoa học sẽ được tính toán định lượng để tác động trực tiếp vào phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia. Các ngành, nghề được đầu tư cũng sẽ không bị dàn trải, mà sẽ có số liệu cụ thể để giúp việc đầu tư tạo ra được hiệu quả cụ thể nhất. Đảm bảo được rằng nghiên cứu khoa học không chỉ góp phần trực tiếp vào đời sống của người dân Úc, mà còn đảm bảo cho nền công nghiệp, kinh tế, và xã hội Úc trước các thách thức của thế giới, cũng như tương lai. Việc này cũng nhất quán với lịch sử của nước Úc trong việc đào tạo và nghiên cứu phải gắn liền với nhu cầu của xã hội.


Tại Úc, việc thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thực hiện, mang đến hiệu quả ra sao? b) Theo Tiến sĩ, có những thách thức nào đang cản trở sự tham gia của khu vực tư nhân vào tài trợ cho nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam? 


Như đã viết trong phần sơ nét về lịch sử ở trên, ở Úc, đầu tư tư nhân vào khoa học công nghệ nhỉnh hơn rất nhiều so với đầu tư công. Có thể thấy rằng số lượng đó ở khối tư nhân cũng gần như ngang bằng với các trường đại học và viện nghiên cứu quốc gia (Hình 2)

Hình 2: Số lượng các nhà khoa học làm việc toàn thời gian (full time equivalent) năm 2019 tại Úc. 


Có nhiều lý do khiến đầu tư tư nhân phát triển ở Úc, điều đầu tiên có thể thấy rõ nhất là cơ chế rất thoáng về thuế cho các quỹ đầu tư về nghiên cứu khoa học này. Ở Úc, chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động nghiên cứu phát triển - Research and Development Tax Incentive (R&DTI) khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Năm 2021-22, Úc chi ra 2.9 tỷ đô cho R&DTI. Với các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, có thể thấy điều này rõ nhất khi sinh hoạt phí (học bổng) của các bạn không phải chịu thuế thu nhập.


Lý do tiếp theo là hiệu quả của việc đầu tư tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin, truyền thông là những doanh nghiệp năng động nhất trong đổi mới sáng tạo, với mục tiêu để cạnh tranh và phát triển lâu dài và bền vững trên thị trường. Số liệu cho thấy những doanh nghiệp đầu tư với tỷ lệ $1 vào R&D thường sẽ thu về lớn hơn $3, và nếu tiếp tục sử dụng nguồn thu này đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thì trung bình sẽ thu về cho doanh nghiệp gấp 5 lần số vốn bỏ ra. Những doanh nghiệp này cũng có khả năng chống chọi tốt hơn trước những “tổn thương” của thị trường, ví dụ như đại dịch Covid, trận chiến thương mại giữa giữa 3 khối Trump, Putin và Tập Cận Bình, cũng như cơn bão phát triển của AI. Điều này được tính toán một cách định lượng không chỉ dựa trên sự phát triển của doanh thu, mà còn tới từ sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, và sự trung thành của khách hàng vào sản phẩm của doanh nghiệp. 


Ở Việt Nam, lấy ví dụ về quỹ đầu tư VinIF, một quỹ đầu tư tư nhân rất lớn và tiên phong cho khoa học công nghệ, thì sau gần 7 năm tổ chức, quỹ công bố rằng mình có 3500 nhà khoa học được trợ lực, 600 công trình công bố, 200 suất học bổng, v.v. Lãnh đạo quỹ cũng cho biết rằng tác động của quỹ là tạo ra nguồn cảm hứng và thay đổi tư duy nghiên cứu. Những con số ấn tượng và những lời có cánh kia có thể không phải là điều một doanh nghiệp cần tới khi bỏ tiền đầu tư. Trong làm nghiên cứu ứng dụng, có thể phải bỏ qua thành tích số lượng. Ví dụ như công ty Silicon Therapeutics hoạt động trong lĩnh vực thiết kế dược phẩm chỉ xuất bản một vài bài báo trong 5 năm, nhưng sau đó công nghệ của họ đã được Tập đoàn Roivant mua lại với giá 450 triệu đô. Có thể ở Việt Nam, việc đầu tư cho R&D cần được đưa ra khung và quy chế đầu tư mang về lợi ích kinh tế và xã hội trực tiếp, với dự toán rõ ràng, thì sẽ thu hút được các doanh nghiệp hơn?


Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học đang còn chưa mạnh mẽ trong lĩnh vực khởi nghiệp. Hầu hết các hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học ở Việt Nam hiện tại đang tập trung vào việc tuyển dụng nhân sự. Doanh nghiệp cần nguồn lao động, và trường đại học cung cấp điều đó. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có thể đầu tư cho việc nghiên cứu, không chỉ qua các hoạt động của dự án mà có thể bao gồm cả học bổng cho nghiên cứu sinh, khả năng cao doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận từ cả nhân sự chất lượng chuyên sâu lẫn sản phẩm đổi mới sáng tạo được tạo ra từ nghiên cứu. Ở các nước đang phát triển OECD, sẽ không lạ để tìm kiếm được một học bổng tiến sĩ PhD Industry kết hợp như thế này. Ở Úc, vào năm 2022, trường ĐH Monash được đầu tư 140 triệu đô cho các hoạt động khởi nghiệp, và CSIRO là 105 triệu đô. Đặc biệt vào năm 2023, Úc lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ đô cho việc đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp. Rất cần một hệ sinh thái mạnh mẽ như vậy ở Việt Nam.


Mặc dù đã có chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học kỹ thuật, nhưng hiện tại vẫn là cuộc chơi giữa nhà nước và các tập đoàn nhà nước, các khu công nghệ cao khối nhà nước, tập trung chủ yếu vào các dự án ứng dụng về kết cấu giao thông, thủy lợi, năng lượng, quốc phòng, an ninh, v.v. Việc chưa rõ ràng và nhất quán trong cơ chế khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó chen chân được vào các ưu đãi trực tiếp này, khi đầu tư nghiên cứu khoa học là một cuộc chơi lâu dài, có thể cần tới 5 năm, 10 năm mới bắt đầu thu được lãi, và độ rủi ro cũng lớn hơn việc “đi tắt đón đầu” và sử dụng sản phẩm có sẵn. Trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức tham gia thử nghiệm chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến tâm lý e ngại trong việc triển khai ý tưởng mới. Nếu nhà nước có chính sách cụ thể hơn hướng tới các khối doanh nghiệp này và có hướng giảm thiểu rủi ro thì có thể thay đổi được bối cảnh đầu tư khối tư nhân ở Việt Nam cho khoa học. 


Một lý do tiếp theo nữa là độ ì của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp lớn) ở Việt Nam khá cao. Tâm lý ăn chắc mặc bền khiến các doanh nghiệp này vẫn giữ nếp kinh doanh cũ, và thậm chí không muốn lớn mạnh hơn. Đầu tư vào bất động sản sẽ là lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp này, có lẽ đây là lý do mà hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam đều có số vốn chủ lực dựa vào bất động sản. Trong khi đó, sản xuất chưa phải là tập trung của các doanh nghiệp, chưa kể tới việc đổi mới công nghệ hay sáng tạo sản phẩm mới. Đầu tư vào R&D là một cuộc chơi “high risk, high return”, nên nếu doanh nghiệp không năng động và “dám thay đổi” thì có lẽ các dự án khoa học đổi mới sáng tạo vẫn sẽ mãi nằm trên giấy. 


Cuối cùng, mặc những tính rủi ro trên, nhưng cơ chế đầu tư tài chính chưa đủ mạnh để khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ. Chưa có các chính sách cụ thể về đấu thầu, hỗ trợ tài chính, mua bí quyết, hay chưa có quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ của nhà nước cũng chưa rõ ràng về tính chất pháp lý gây nên sự nhập nhằng trong công tác quản lý và vận hành. Việc tiếp cận ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu còn nhiều khó khăn, trong cùng lúc đó việc thiếu chính sách ưu tiên phát triển các công nghệ có giá trị nội địa hóa cao và khả năng đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Những điều trên đang cản trở khối tư nhân mạnh tay đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. 

Theo tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn tại Úc, những thuận lợi, thách thức và khó khăn nào thường gặp phải trong quá trình triển khai cơ chế cấp kinh phí theo quỹ cho hoạt động khoa học và công nghệ? 

Không ai nghi ngờ về chất lượng nghiên cứu của Úc, dù đánh giá theo tiêu chí nào. Với chỉ 0.3% dân số toàn cầu, Úc đóng góp hơn 4% vào số công trình được công bố trên thế giới. Có nhiều trường đại học và nhiều viện nghiên cứu của Úc xếp hạng trong top 100 thế giới. Tuy nhiên, trong khảo sát gần đây nhất của Nature Index, Úc bị rơi ra khỏi top 10 quốc gia đứng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển. Thực tế, tỷ lệ đầu tư cho R&D ở Úc đang giảm dần đều trong 20 năm qua, ví dụ như từ 2.25% GDP năm 2009 xuống còn 1.68% năm 2022. Dù rất nhiều đề xuất được đưa ra để đưa con số này lên 3% GDP vào năm 2035, nhưng hiện tại Úc vẫn đang gặp khó khăn để thực hiện được điều đó.

Cuộc chơi cũng không được dàn trải đồng đều, trong số 43 trường đại học, và 59 viện nghiên cứu, thì tới hơn ¾ số tiền chỉ đầu tư vào cho 5 trường đại học lớn (ĐH Melbourne, Sydney, UNSW, Monash và Queensland), và Viện CSIRO. Chỉ rất nhỏ giọt số tiền chia ra và đi vào tất cả các trường/viện còn lại. Trong các mảng được đầu tư, mảng y sinh và y tế cũng chiếm đa số (trong 10 top ngành được đầu tư, tất cả 5 top ngành đứng đầu đều về các mảng này, và vượt rất xa các mảng khác, ví dụ như mảng kỹ thuật (engineering) đứng ở vị trí thứ 6). Sự không đồng đều và tập trung quá nhiều vào một mảng cũng khiến cho Úc có tính tổn thương nhất định. Cuối cùng, sự không đồng đều còn có thể thấy ở nghiên cứu cơ bản, vốn là nền tảng cho mọi lợi ích nghiên cứu trong tương lai, được tài trợ với tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với nghiên cứu ứng dụng. Các quỹ đầu tư tư nhân tất nhiên sẽ phải ưu tiên phát triển doanh nghiệp của họ với các nghiên cứu ứng dụng, nhưng các quỹ đầu tư từ chính phủ trong nhiều năm qua cũng đang không cân bằng giữa hai mảng này, dẫn tới các trường đại học của Úc buộc phải dựa vào tiền thu học phí của sinh viên ngoại quốc để đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.

Các quỹ từ chính phủ không thể đủ để cho hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học, với năm 2018 thiếu hụt khoảng 4.6 tỷ đô. Các trường đại học có thể dựa vào quỹ tư nhân hoặc các nguồn từ thiện, nhưng hầu hết các trường đại học ở Úc phụ thuộc chủ yếu vào lượng tiền từ học phí của sinh viên ngoại quốc. Điều này khiến hệ thống giáo dục tại Úc rất dễ thương tổn và không bền vững. Ví dụ như trong khoảng thời gian từ 2020 tới 2023, khi không thể có sinh viên nước ngoài tới Úc do đại dịch Covid, các trường đại học của Úc mất 16 tỷ đô ngân sách. Ví dụ như Đại học Sydney đã phải bỏ thêm với tỷ lệ 1.5 đô cho mỗi 1 đô nhận được từ các quỹ như ARC, NHMRC hay MRFF.

Quỹ nghiên cứu của Úc cũng có tính dễ tổn thương với các tác động ngoại quốc. Đặc biệt vào năm 2023, Chính phủ Úc quyết định không tham gia tiếp vào chương trình quỹ European Union’s (EU’s) Horizon Europe như một quốc gia thành viên, đi theo phong trào Brexit ở UK. Điều này khiến cho các dự án của Úc rất khó khăn để được tiếp cận với nguồn quỹ này. Ở phía bên kia đại dương, Hoa Kỳ, nơi mà rất nhiều dự án nghiên cứu của Úc phụ thuộc vào sự tài trợ, thì sự chuyển mình sang chính quyền mới của Tổng thống Trump và những chính sách của ông cũng khiến cho nhiều dự án nghiên cứu của Úc lao đao. Việc này cũng khiến cho một số quỹ tư nhân lớn như Bill & Melinda Gates Foundation cũng giảm lượng tiền đầu tư vào Úc từ năm 2020.

Quỹ cấp vốn cho nghiên cứu cũng đang dần bị chính trị hóa, mang nặng tính quan liêu. Ví dụ như chỉ cần một nhiệm kì mới lên với tư tưởng khác với đảng cũ, thì hầu hết hoạt động nghiên cứu của Úc sẽ phải thay đổi để đi theo tư tưởng mới này. Ví dụ thấy rõ nhất như trong khoảng thời gian nắm quyền của Thủ Tướng Tony Abbott, tất cả mọi nghiên cứu liên quan tới môi trường và khí hậu hầu như không thể qua được vòng xét duyệt. Việc này không chỉ khiến nguồn lực bị lãng phí vào quy trình phiền toái, kém hiệu quả, mà còn làm giảm động lực của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Nhà nghiên cứu trẻ là nguồn sống của hệ sinh thái nghiên cứu, nhưng nhiều trong số họ đang lựa chọn rời bỏ ngành do việc làm bấp bênh và thiếu một tương lai rõ ràng trước tình trạng không ổn định của các quỹ nghiên cứu.

Chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư nhân và nhà nước trong việc đầu tư nghiên cứu khoa học. Các nhóm nghiên cứu thường sẽ xin cấp tiền từ nhà nước, hoặc tư nhân, chứ rất hiếm khi là từ cả hai. Mặc dù vẫn có những chương trình như Co-Investment Funding (đồng đầu tư), nhưng thường thì bên phía nhà nước sẽ chỉ đồng ý với phần trăm nhỏ hơn rất nhiều. Ví dụ như trong CSIRO, các dự án với 30% số tiền từ CSIRO (nhà nước) và 70% từ tư nhân sẽ được duyệt nhanh hơn là 50/50. Điều này tạo nên khó khăn không nhỏ cho các dự án khoa học công nghệ. Giá thành ban đầu cho cơ sở hạ tầng của một dự án R&D là không nhỏ. Ví dụ như một công ty muốn đầu tư đổi mới sáng tạo trong mảng sản xuất, sẽ cần các siêu máy tính (HPC), máy in 3D, máy CNC, robot, máy cắt laser, cảm biến IoT, các hệ thống kiểm soát chất lượng sử dụng AI, hệ thống tăng cường thực tế ảo AR/VR, các thiết bị đo lường chính xác tiên tiến, phần mềm thiết kế và gia công (CAD/CAM), các thiết bị phân tích hóa học, phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm (PLM). Số vốn ban đầu rất lớn này cần được đồng đầu tư từ nhiều bên.

Việc các ông lớn ở Úc chủ yếu là ở lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp nặng, hoặc dịch vụ tài chính (ví dụ như chỉ có khoảng 16 công ty công nghệ trong bảng xếp hạng 200 tập đoàn hàng đầu ở Úc), dẫn tới các dự án đầu tư xanh của Úc cũng bị hạn chế. Dù đã có chính sách để hướng tới net-zero trong tương lai, nhưng các nghiên cứu khoa học về năng lượng xanh, tái tạo, hay các công nghệ giảm thiểu carbon cũng chưa được đầu tư lớn như các mảng khác. 

Làm sao để khắc phục những thách thức nêu trên? Những bài học nào Việt Nam có thể học hỏi từ Úc trong vấn đề này?


Có 5 bài học mà Việt Nam có thể học hỏi từ Úc để khắc phục các thách thức này.


Điều đầu tiên là khi đưa ra cơ chế quỹ, cần phải thực sự ngồi xuống và đặt câu hỏi rằng chúng ta đang muốn hệ thống nghiên cứu của mình trở thành sản phẩm gì, cần làm gì, và cho ai. Đối với giáo dục đại học và sau đại học nói chung, nghiên cứu là phần cốt lõi trong tìm kiếm chân lý tri thức, nhưng cũng không thể quên mất giá trị thực tiễn là những khám phá đó tạo ra lợi ích gì cho xã hội và nền kinh tế phát triển. Việc có một bản Hiến Chương Quốc Gia về nghiên cứu khoa học (như tôi đã đề cập ở trên) để làm rõ nhất nguyên lý hoạt động cơ bản của quỹ sẽ là kim chỉ nam để cho mọi chính sách mà chúng ta xây dựng. Bản Hiến Chương này (thay vì được tạo ra từ các kỳ họp trong Quốc Hội), cần được tạo ra bởi các nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp, và được chỉ đạo giám sát bởi chính phủ, và cuối cùng được đánh giá bởi toàn bộ hệ thống Viện Hàn Lâm cũng như các cơ quan liên quan về Thống Kê, Đo lường chất lượng và Tài Chính.


Điều thứ hai, hệ thống quỹ cần phân ra rõ ràng vào 4 bộ phận riêng biệt, và phân chia quỹ cụ thể cho từng bộ phận đó. Bốn bộ phận đó là: 

(1) Các trường đại học và viện nghiên cứu công, nơi được tập trung các nghiên cứu cơ bản, và là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu của tương lai. Đặc biệt các ngành ít được quan tâm bởi khối tư nhân nhưng lại mang tính nền móng cho sự phát triển của quốc gia, như môi trường, khí tượng, khí hậu, v.v. hay khoa học cơ bản như toán, vật lý, địa chất cần được chú trọng ở bộ phận này.

(2) Các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, cần được có cơ chế cùng đầu tư, giúp bộ phận này có nguồn lực mạnh hơn cho R&D, và các chính sách hỗ trợ việc tuyển dụng nhân lực trình độ cao.

(3) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp, cần có chính sách huy động vốn linh hoạt, thông thoáng, rõ ràng trong ưu đãi về thuế, những hỗ trợ về sản phẩm, dịch vụ, hay hỗ trợ về mở rộng quy mô kinh doanh với các bộ phận này. 

(4) Cộng đồng đầu tư mạo hiểm, đây là những cộng đồng đóng vai trò chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và dịch vụ. Cần tạo ra hệ sinh thái linh hoạt hơn, kết hợp giữa trường đại học và doanh nghiệp, để hỗ trợ đầu tư mạo hiểm vào các dự án khoa học công nghệ.


Khung chính sách của Qũy đưa ra cần phản ánh được sự đa dạng trong cả bốn bộ phận này, từ đây có thể đảm bảo được sự đồng đều giữa nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, cũng như nguồn vốn về đầy đủ các thành phần của xã hội.


Điều thứ 3, cần có cơ chế để trọng tâm việc đầu tư là vào con người, thay vì vào dự án. Việc đầu tư trọng tâm phân bổ kinh phí theo dự án là mô hình không bền vững. Thông thường tỷ lệ thành công của các dự án nghiên cứu phát triển rất thấp (chỉ khoảng 20%), và tỷ lệ đó càng thấp hơn cho nghiên cứu cơ bản. Thay vào đó, để tăng tỷ lệ này, nên tập trung đầu tư dài hơn và sớm hơn, ví dụ các dự án kéo dài tới 5-7 năm, cho các nghiên cứu sinh từ giai đoạn đầu và xuyên suốt quá trình nghiên cứu cho tới sau tiến sĩ. Cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, và thúc đẩy những nhà nghiên cứu trẻ này thực hiện các nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, và với quy mô lớn hơn kết hợp giữa nhiều trường viện khác nhau, và tần số được đầu tư cao hơn. Thành lập cơ chế lộ trình phát triển mang tính thế hệ cho những nhà nghiên cứu này, được thiết kế bởi một ủy ban chuyên gia độc lập và không bị chi phối bởi chính trị, sẽ giúp cho cơ chế đầu tư vào con người thành công hơn. Cuối cùng, có cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp cùng đầu tư cho các nghiên cứu sinh, tạo ra nhiều học bổng tiến sĩ PhD Industry hơn. Các doanh nghiệp cũng cần có cơ chế để tuyển dụng các PhD này sau khi học tốt nghiệp, giúp họ khám phá con đường sự nghiệp ngoài học thuật. 


Điều thứ 4, tiếp nối với điều thứ 3, chính phủ cần có cơ chế cụ thể để đào tạo tiến sĩ. Ở Úc, dù mỗi năm chính phủ chi ra 1.25 tỷ đô (năm 2024/25) thông qua học bổng RTP về các trường đại học, nhưng con số này hoàn toàn vẫn không thể đủ cung cấp cho lượng sinh viên nghiên cứu cần thiết của các trường. Ở Việt Nam, hiện tại chỉ có một số trường tư nhân, hoặc các đại học lớn (như đại học Quốc Gia) có chính sách hỗ trợ cho sinh viên thạc sĩ nghiên cứu, hoặc nghiên cứu sinh, tuy nhiên con số kinh phí hỗ trợ vẫn rất hạn chế (thấp hơn mức lương cơ bản), dẫn tới rất khó thu hút người trẻ tham gia làm nghiên cứu. Một số trường đại học, như VinUniversity, đã có sáng kiến khi kết hợp đào tạo giữa trường và các trường quốc tế như UIUC hay Cornell, để cùng thực hiện dự án nghiên cứu với cùng mục tiêu, nhưng sẽ san sẻ được chi phí đào tạo. Ban đầu, bản thân chính phủ có thể cùng bắt tay để tạo ra chính sách quỹ học bổng theo hướng như vậy.


Điều cuối cùng, các quỹ đầu tư nên định nghĩa bản thân rõ ràng, là tổ chức tài chính nhà nước, hay là đơn vị sự nghiệp, để từ đó có thể có chi tiết mục tiêu dự toán khi đầu tư. Sự rõ ràng cụ thể về mục tiêu (là số lượng công trình công bố) hay gián tiếp như tri thức giảng dạy, hay là về doanh thu, đều nên được định lượng rõ ràng. Điều này giảm áp lực về công bố khoa học lên các đại học, và giúp họ coi trọng chất lượng hơn là số lượng nghiên cứu. Các nghiên cứu cần được bảo vệ và đăng ký bản quyền, đặc biệt là khi nó mang lại được định lượng trực tiếp về doanh thu. Khi đạt được những điều này, chính phủ có thể sẽ mở rộng quỹ sang thành các trung tâm lớn hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp và hùn vốn vào những dự án trọng điểm ở các trung tâm đó, như trung tâm Catapult ở Anh Quốc, Fraunhofer ở Đức hay chương trình Trailblazer của Úc. 


Cần có những cơ chế đánh giá nào để đảm bảo tính khách quan và công bằng trong việc xét duyệt dự án được tài trợ thông qua các quỹ?


Việc xét duyệt đánh giá cần phải là sự kết hợp giữa các bên hưởng lợi ích (nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị xã hội, và nhà khoa học). Để tránh việc trì trệ trong cung cấp tài trợ, các đơn vị này cần được đào tạo trước kiến thức về quản lý quỹ đầu tư, về đạo đức nghiên cứu, quản lý dữ liệu và các tính trung thực trong học thuật. Các khóa đào tạo này cần xây dựng được khung đánh giá cụ thể dựa trên các quy tắc trong khoa học, học thuật nói trên. Các đơn vị này cũng phải được giám sát và cố vấn, cũng như có đơn vị theo dõi trong việc xét duyệt tài trợ.


Khi xây dựng được bản Hiến Chương như tôi trình bày ở trên, với các mục tiêu cụ thể chi tiết tới từng bộ phận, và thực hiện được 5 điều như tôi đã trình bày (tất cả cần được xây dựng dựa trên con số định lượng thống kê, lý thuyết, thực tiễn của Việt Nam, và các phương pháp cũng như bài học từ nước ngoài), khi đó khung xét duyệt sẽ được thông qua, bao gồm cả những cách thức để xếp hạng và phân loại, cũng như quy trình cụ thể để lượng hóa một dự án nghiên cứu, từ đó thì tính phù hợp khi phê duyệt dự án đầu tư sẽ rõ ràng hơn. Khung xét duyệt này không chỉ là số lượng công bố khóa học, số lượng học bổng, v.v. mà còn phải dựa vào các phương pháp tính toán về lợi ích thu lại từ một dự án nghiên cứu, như ví dụ ở Úc về 1 đô la bỏ ra và thu về bao nhiêu đô la lợi tức như đã được đề cập. 


Từ đây, cơ chế thẩm định cũng nên được lên kế hoạch rõ ràng. Thay vì giao trách nhiệm quản lý và điều hành một khoản vốn điều lệ cho một khoản tiền được mặc nhiên định vào kế hoạch đã có trước, thì mỗi vòng đời của dự án (thường là từ một năm, hoặc vài năm), cần được công bố dự toán và thẩm định. Từ đó các quỹ cũng sẽ được thẩm định. Quy trình này cần phải rõ ràng vì cần sự linh hoạt, khi các dự án đang đợi kinh phí, sau khi thẩm định xong, thì cần cung cấp vốn ngay cho dự án để dự án được tiếp tục. Quy trình hiện tại ở Việt Nam đang là chờ đề tài nhiệm vụ phê duyệt xong, gửi lên Bộ Tài Chính. Bộ này thẩm định xong, rồi mới đi ngược trở lại để cung cấp kinh phí, và đôi lúc qua mất năm tài chính và dự án vẫn chưa được cấp vốn (trung bình hiện nay ở Việt Nam là tới tận 18 tháng). Lý do chính là chưa có sự đồng bộ hóa (theo chiều dọc) liên quan tới quy trình thẩm định, dẫn tới chưa có sự tự chủ ở các cấp thấp hơn khi cung cấp kinh phí tài trợ. Ngoài ra, việc chưa có một bộ văn bản luật hỗ trợ chuyên biệt cho việc này, ví dụ cùng một điều khoản, nhưng Luật Giáo dục Đại học năm 2018 có thể quy định khác với Luật Khoa học Công nghệ 2013, và sự không nhất quán này tạo sự khó khăn trong hoạt động tự chủ của các trường đại học, doanh nghiệp, và cả cơ quan chính phủ. Dự án đổi mới sáng tạo (đặc biệt trong các công nghệ mới như bán dẫn, AI, vật liệu mới, sinh học phân tử, v.v.) có vòng đời rất nhanh, tính thời sự cao, và cạnh tranh rất gay gắt giữa nhiều nước trên thế giới. Nếu không có khung thẩm định rõ ràng và cơ chế linh hoạt, thì Việt Nam sẽ bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. 


Cuối cùng, tiêu chí cho một dự án nghiên cứu tốt thường cần trả lời được 4 câu hỏi: (1) Tại sao nghiên cứu này lại cần thiết, (2) nghiên cứu đó cần làm gì, (3) nghiên cứu sẽ đưa ra kết quả phát hiện mới gì, và (4) tác động và ý nghĩa của nghiên cứu tới nhà tài trợ, cũng như kinh tế xã hội chung là gì. Nếu một dự án có thể đưa ra được cả bốn tiêu chí này và thuyết phục được nhà đầu tư (theo định lượng), thì dự án đó nên được thông qua nhanh hơn để tới vòng thẩm định tiếp theo (thay vì đi qua tới 11 trách nhiệm khoa học như Quỹ NCKH Quốc gia đang thực hiện, và quỹ này dù có vòng lọc rất nhiều bước như thế nhưng vẫn có rất nhiều dự án “không liêm chính” lọt qua). 


Những nội dung khác Tiến sĩ muốn chia sẻ thêm


Các nhà nghiên cứu trẻ thường rất khó để cạnh tranh trong việc gọi dự án. Việc một cá nhân vừa tốt nghiệp tiến sĩ mà muốn gọi một dự án cấp quốc gia có thể là điều không thể ở tình hình hiện tại ở Việt Nam. 


Ở Úc, quỹ ARC hay quỹ NHMRC (hai quỹ chính của Úc về đầu tư NCKH), đều được chia ra thành hai chương trình riêng biệt. Chương trình Khám phá - Discovery Program (DP) dành cho các nhóm nhỏ, cá nhân, và Chương trình Phức hợp - Linkage Program (LP) dành cho các dự án kết hợp giữa nhiều trường và viện khác nhau. Trong chương trình DP, các ý tưởng táo bạo được khuyến khích, đặc biệt trong việc tạo ra các tri thức mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong chương trình này, các nhà khoa học trẻ sẽ có cơ hội thông qua các Chương trình tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ (Discovery Early Career Researcher Award - DECRA), hay các dự án cơ bản từ Chương trình Discovery Projects. Các dự án này có giá trị vào tầm khoảng 400-800 nghìn đô (vừa đủ cho các công trình nghiên cứu dài tầm 3-5 năm và giúp các nhà khoa học trẻ mở phòng thí nghiệm, tuyển hai hoặc ba nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ. Các dự án này dành cho các nhà khoa học vừa tốt nghiệp tiến sĩ trong vòng 5 năm. Việc có các chương trình riêng biệt cho các nhà khoa học trẻ như thế này sẽ giúp nuôi dưỡng được nhân sự nghiên cứu lâu dài hơn, và tạo điều kiện cạnh tranh công bằng hơn cho các nhà khoa học đang mới bắt đầu sự nghiệp. 


Gói hỗ trợ này còn bao gồm các kinh phí cho hội thảo, học bổng tiến sĩ, học bổng sau tiến sĩ. Kết hợp các gói này với các quỹ đầu tư học bổng (như quỹ RTP mà tôi đã nhắc tới), sẽ góp phần giúp các trường đại học có được nguồn nhân lực nghiên cứu trẻ dồi dào hơn.